Việc dừng dự án nạo vét không liên quan việc tàu bị mắc cạn trên sông Cầu

Thời gian vừa qua, có nhiều thông tin trên các báo liên quan đến việc UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết định tạm dừng dự án nạo vét, khơi thông luồng thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu do Công ty cổ phần trục vớt luồng hạ lưu thực hiện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số đoạn đê được dư luận quan tâm.

Sau khi quyết định tạm dừng dự án, nhiều chủ tàu đã phản ánh tình trạng luồng chạy tàu trên tuyến sông Cầu qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều điểm bị cạn, gây cản trở giao thông thủy. Có hay không việc tỉnh Bắc Ninh cho dừng dự án nạo vét là nguyên nhân làm cho tàu mắc cạn hay chỉ là “lý do” để dự án cần tiếp tục thực hiện?

Nạo vét cát trên sông Cầu đang gây ra những quan ngại mất an toàn đề điều. Ảnh: phapluatplus.vn

Nhiều tỷ đồng khắc phục sự cố sạt lở đê do khai thác cát

Tìm hiểu của phóng viên được biết, từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016, Công ty cổ phần trục vớt luồng hạ lưu thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch trên tuyến sông Cầu thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, qua kiểm tra, theo dõi của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cho thấy, việc nạo vét đã gây bức xúc trong nhân dân.

Ngày 01/3/2016 đã phát hiện 3 sự cố sạt lở bờ bãi sông đê hữu sông Cầu gồm: Tại vị trí tương ứng với K73+000 - K73+100 đê hữu Cầu, bờ, bãi sông đã bị sạt lở đứng thành với chiều dài khoảng 30m, ăn sâu vào bãi từ 0 – 3m, điểm sạt lở gần nhất cách đê 35m; tại vị trí tương ứng với K73+400 – K73+500 đê hữu Cầu, bờ, bãi sông đã bị sạt lở đứng thành với chiều dài khoảng 20m, ăn sâu vào bãi sông từ 0 – 1.5m, vị trí sạt lở gần nhất cách chân đê 25m; tại vị trí tương ứng tại K74+400 – K74+500 đê hữu Cầu, bờ, bãi sông đã bị sạt lở đứng thành với chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào bãi từ 5 – 10m, vị trí sạt lở gần nhất cách chân đê 25m.

Báo cáo của Công an tỉnh Bắc Ninh về việc nạo vét cát trên sông Cầu

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quế Võ kiểm tra đánh giá nguyên nhân sự cố và đề xuất giải pháp khắc phục. Sau khi kiểm tra, các ngành chức năng của Bắc Ninh cho thấy, nguyên nhân xuất hiện các sự cố sạt lở bờ, bãi sông nêu trên là do dòng chảy bị biến đổi khi thực hiện dự án nạo vét luồng lạch trên sông Cầu tại khu vực (phần thực hiện theo cấp phép của UBND tỉnh Bắc Giang), kết hợp với đất bờ, bãi sông tại các khu vực này có chứa lẫn gạch và phế thải của vỏ lò gạch thủ công cũ, liên kết kém đã sinh ra hiện tượng tách lớp, gây sạt lở bờ, bãi sông.

Ông Nguyễn Thành Bắc, Trưởng phòng Nước, Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, cho biết việc thực hiện dự án nạo vét nguồn tận thu chính là cát, sỏi trong điều kiện cát sỏi là vật liệu kết cấu bở dời trầm tích dưới lòng sông với phương tiện nạo vét là các tàu và xáng cạp ... dù các phương tiện nằm ở địa phận tỉnh Bắc Giang nhưng khi hút đã không tránh khỏi ảnh hưởng đến địa phận tỉnh Bắc Ninh.

Vì vậy, điều này đã gây bức xúc trong trong nhân dân các xã ven sông gần khu vực được thực hiện dự án nạo vét. Để xử lý sự cố sạt lở, tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương huy động nguồn nhân lực của địa phương để tổ chức xử lý 3 sự cố nêu trên với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng nhằm đảm bảo an toàn cho đê. Sau khi trích ra số tiền lớn xử lý sự cố sạt lở đê, từ tháng 11/2016 đến nay, trên địa bàn sông Cầu đã xuất hiện lại việc dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm gây bức xúc cho người dân tỉnh Bắc Ninh, gây mất an ninh nông thôn tại các xã Việt Thống, Quế Tân, Phù Lương, Phù Lãng (huyện Quế Võ).

Ông Nguyễn Phương Bắc, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, cho biết việc nạo vét, khai thác cát trái phép trên tuyến sông Cầu bắt diễn ra vào đầu tháng 11/2016 (ở khu vực giữa dòng sông Cầu và phía bờ tả thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang). Vị trí nạo vét, khai thác cát diễn ra tại nhiều điểm dọc trên tuyến sông Cầu từ Km65+000 đến K82 đê hữu Cầu từ K0+000 đến K4+000 đê Ba Xã, huyện Quế Võ.

Số lượng tàu hoạt động nạo vét khai thác cả ngày lẫn đêm với khoảng từ 40 đến 50 tàu dùng vòi hút dài từ 20 đến 30m, một số tàu còn nối vòi hút với ống sắt nhọn cắm sâu xuống dưới đáy sông để khai thác cát ở tầng dưới của đáy sông. Việc dùng hình thức khai thác này có thể dẫn tới sạt lở, lún sụt bờ, bãi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của đê điều trong khu vực. Tại các vị trí nạo vét, khai thác đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân địa phương, các đối tượng khai thác thường xuyên cử người bố trí canh gác nhằm khi có lực lượng chức năng hoặc nhân dân phản ánh đã cản trở, ngăn chặn.

Cần thiết tạm dừng dự án nạo vét, khơi thông luồng thủy nội địa


Để chấm dứt tình trạng khai thác cát làm ảnh hưởng đến tuyến đê, ngày 29/11/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh có công văn số 374, gửi Bộ trưởng các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị dừng ngay việc thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu thuộc địa phận hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ngày 1/12/2016, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, thuộc Bộ Giao thông Vận tải có công văn số 2555 yêu cầu Công ty Cổ phần trục vớt luồng hạ lưu tạm dừng việc thi công dự án nạo vét duy tu luồng thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu các đoạn cạn Km1+000 đến Km30+000 từ ngày 5/12/2016, đồng thời di chuyển phương tiện, thiết bị khỏi khu vực công trường…

Tiếp đến ngày 14/12/2016, Bộ Giao thông Vận tải có công văn số 14907/BGTVT-KCHT giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì phối hợp với nhà đầu tư và các cơ quan chức năng hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang kiểm tra hiện trạng luồng tuyến thuộc phạm vi dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh để làm rõ các kiến nghị, phản ánh của tỉnh Bắc Ninh; trường hợp nếu đoạn cạn trên đạt chuẩn tắc luồng được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê chuẩn sẽ dừng thực hiện dự án trên.

Ngay sau khi Cục Đường thủy nội địa có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần trục vớt luồng hạ lưu tạm dừng việc thi công dự án, một hiện tượng “bất thường” đã xuất hiện là nhiều đơn thư phản ánh đến các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh của các chủ tàu đang hoạt động trên tuyến sông Cầu với lý do tàu bị mắc cạn do dự án nạo vét duy tu luồng thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu không được triển khai thực hiện. Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định không có tàu mắc cạn nếu phương tiện đường thủy hoạt động đúng trọng tải và đi đúng luồng.

Tuyến sông Cầu có chiều dài 83 km là tuyến sông cấp III, theo quy định chỉ dành cho phương tiện thủy nội địa có trọng tải đến 300 tấn hoạt động. Báo cáo của Công an tỉnh Bắc Ninh về việc xác minh đơn thư phản ánh, kiến nghị của công dân về các điểm khan, cạn trên tuyến sông Cầu cho thấy, phương tiện (tàu) của các công dân đứng đơn kiến nghị, phản ánh tham gia giao thông trên tuyến sông Cầu có trọng tải nhỏ nhất là 498 tấn, có tùa trên 888 tấn nên khi tham gia giao thông có thể bị mắc cạn khi con nước kém.

Số công dân đứng đơn này đều là các chủ tàu có trọng tải lớn quá quy định khi hoạt động trên tuyến sông Cầu sẽ bị xử lý theo Nghị định số 132/2015/CP của Chính phủ quy định vi phạm vùng hoạt động của phương tiện. Do đó, việc UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu dừng dự án nạo vét, khơi thông luồng thủy nội địa không liên quan đến việc các tàu bị mắc cạn trên sông.

Để tìm hiểu vụ việc, ngày 9/1/2017 Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh Bắc Ninh xuống kiểm tra thực địa tại khu vực đê hữu Cầu, huyện Quế Võ, xác thực những hư hại tại khu vực đê này. Tuy nhiên, đến nay chưa có kết quả chính thức.

Trao đổi với phóng viên về quan điểm của tỉnh Bắc Ninh trong vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết, từ năm 2015 đến nay, Bắc Ninh không cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào khai thác cát trên các tuyến sông nhằm bảo vệ các tuyến đê không bị sạt lở, sụt lún.

Tỉnh Bắc Ninh giữ quan điểm không đồng ý cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào khai thác cát trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh, bởi nếu cho phép khai thác cát, có thể sạt lở thân đê bất cứ lúc nào thì không chỉ 30 tỷ đồng để xử lý sạt lở bờ bãi đê hữu sông Cầu trên địa bàn huyện Quế Võ vừa qua mà nhà nước còn mất nhiều tỷ đồng hơn nữa.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đã đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông thu thập thông tin và có ý kiến với cơ quan Trung ương nhằm định hướng dư luận và làm rõ những thông tin trái chiều liên quan đến việc dừng dự án nạo vét duy tu luồng thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu và tàu bị mắc cạn trên sông.

TTXVN/Tin Tức
Đê sông Cầu Chày nứt sâu gần 1 mét
Đê sông Cầu Chày nứt sâu gần 1 mét

Do ảnh hưởng của bão số 3, mực nước sông dâng cao cộng với mưa lớn kéo dài đã làm đê sông Cầu Chày tại Km10+400 đến Km10+442, đoạn qua xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa bị nứt sâu từ 20-90cm và sạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN