Dù ở bất cứ thời điểm nào trong ngày hay thời tiết nào trong năm, do đặc thù công việc, những người công nhân vệ sinh môi trường Thủ đô vẫn luôn cần mẫn làm công việc vệ sinh đường phố. Tuy nhiên, thời tiết phức tạp hoặc múi giờ khuya, trời tối cũng là khoảng thời gian tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Tình trạng công nhân làm vệ sinh môi trường gặp tai nạn đã không còn hiếm gặp.
Mới đây, vào đêm 22/4, một người đàn ông uống rượu say xỉn điều khiển ô tô lưu thông trên đường Vĩnh Hồ (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội), sau khi gây ra va chạm với 5 xe máy đang đi trên đường, người này không dừng lại để giải quyết hậu quả mà tiếp tục điều khiển xe chạy ra phố Tây Sơn rồi rẽ vào đường Láng. Khi đến trước cửa số nhà 220 đường Láng, chiếc xe đã đâm vào chị Lê Thị Thu Hà (sinh năm 1977), là công nhân vệ sinh môi trường đang thu gom rác tại khu vực này khiến chị Hà tử vong tại chỗ. Trước đó, cuối tháng 3/2019, trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Tây Hồ), một nữ công nhân vệ sinh môi trường cũng bị chiếc ô tô tông trúng người bất tỉnh, phải cấp cứu tại bệnh viện...
Hai vụ việc kể trên chỉ là một trong những vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn Thủ đô khiến nhiều công nhân vệ sinh môi trường cảm thấy lo lắng và bất an khi làm việc trên đường. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2018 có khoảng 10 vụ công nhân vệ sinh khi làm nhiệm vụ bị các phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn.
Có thể thấy, vấn đề đảm bảo an toàn cho lực lượng công nhân môi trường làm việc trong đêm phụ thuộc rất nhiều vào những người lái xe, nhất là điều khiển phương tiện trong trạng thái say rượu hoặc phóng nhanh, vượt ẩu.
Theo quy định về an toàn lao động, trước khi bắt đầu công việc quét đường, các công nhân phải chuẩn bị đầy đủ đèn hiệu, mũ bảo hộ, áo dạ quang, găng tay, khẩu trang. Các phương tiện đảm bảo an toàn đã có, thế nhưng rủi ro là không thể tránh khỏi. Tai nạn thảm khốc vẫn rình rập những người công nhân làm nhiệm vụ trong đêm tối.
Một công nhân lâu năm trong nghề tâm sự: "Những người làm ca đêm như chúng tôi thường vất vả hơn, luôn đối mặt với nỗi ám ảnh tai nạn giao thông. Đêm nào cũng vậy, từ lúc bắt đầu đến khi làm xong việc, chúng tôi quét dọn đường phố trong trạng thái lo lắng, sợ hãi các “hung thần” có thể xuất hiện bất cứ lúc nào".
Công việc nặng nhọc, đối mặt với nguy hiểm là vậy, nhưng theo chia sẻ của một số công nhân làm vệ sinh, mức thu nhập của họ hiện còn quá thấp so với công sức họ bỏ ra. Tại Hà Nội, công nhân vệ sinh môi trường được hưởng lương theo sản phẩm trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật theo Quyết định 6841 của UBND thành phố Hà Nội. Cụ thể là 150.000 đồng/ngày công, nếu tính tổng thu nhập một tháng chỉ được 4,5 triệu đồng.
Theo thống kê, hiện tổng số công nhân vệ sinh tại 2 thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 15.000 người. Công nhân môi trường được xếp vào cấp độ 4/6 trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Mặc dù hàng ngày phải đối mặt với môi trường độc hại và nguy hiểm, nhưng chính sách, chế độ lương để động viên, khuyến khích nghề đối với lực lượng lao động này chưa thật sự phù hợp. Thậm chí ở một số doanh nghiệp, giờ làm việc của công nhân kéo dài, lương thấp, chậm trả lương..., trong khi tai nạn giao thông là một trong những rủi ro khó tránh khỏi trong quá trình làm việc của họ.
Ông Nguyễn Mạnh Tuyên, Phó Trưởng phòng Tổ chức lao động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết, các vụ tai nạn giao thông xảy ra với công nhân vệ sinh môi trường có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, chủ yếu do tài xế không quan sát, các tuyến đường tắt điện hoặc cũng chính từ những người công nhân. Vì vậy, ngoài việc tăng cường trang bị bảo hộ lao động, mỗi năm, Công ty đều tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra cho công nhân.
Theo ông Tuyên, để phòng tránh tai nạn giao thông vào ban đêm, người lao động phải mặc áo có phản quang để người điều khiển phương tiện giao thông dễ phát hiện và chủ động tránh. Đồng thời, phải đặt chóp phản quang tại khu vực làm việc gần ngã ba, đường rẽ hoặc khu vực khuất tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt, trong quá trình làm việc, các công nhân vẫn phải tập trung quan sát để tránh rủi ro.
Những yêu cầu đối với người lao động là vậy, nhưng làm thế nào để hạn chế những rủi ro đến từ các vụ tai nạn giao thông? Điều trước hết là chính bản thân người tham gia giao thông cần phải nâng cao ý thức để thay đổi hành động của mình. Mỗi người khi uống rượu bia cần nghĩ đến mức độ nguy hiểm có thể mang đến cho xã hội, cho chính những người đang góp phần giữ môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Bên cạnh đó, về phía các cơ quan chức năng, để hạn chế thương vong cũng cần có chế tài xử lý thật nặng đối với các hành vi gây tai nạn cho công nhân vệ sinh và những vụ việc vô cớ hành hung, đánh đập công nhân vệ sinh môi trường. Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn nữa để chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho công nhân làm vệ sinh bị tai nạn lao động; cung cấp biển báo, trang bị xe rác chuyên dụng trên những tuyến đường “nóng” hay xảy ra tai nạn...
Lặng lẽ giữa đời thường, những công nhân vệ sinh môi trường cứ âm thầm, cần mẫn với công việc của mình để làm sạch, đẹp cho cảnh quan phố phường Thủ đô. Nhưng họ cũng đang cần một môi trường lao động đảm bảo an toàn đúng nghĩa cho tính mạng, cho sức khỏe. Để cùng chia sẻ những nhọc nhằn, nỗi vất vả ấy giúp những người công nhân vệ sinh yên tâm gắn bó với nghề, rất cần sự chung tay của mỗi người, của toàn xã hội trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn giao thông.