Hằng năm, ngân sách nhà nước dành khoảng 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam…
Sự chung tay cộng đồng
Cùng với sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) đồng hành, trợ giúp nạn nhân và gia đình họ về nhiều mặt. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, sau hơn 18 năm xây dựng và hoạt động (từ đầu năm 2004 đến nay), Hội có tổ chức ở trung ương, 63 tỉnh, thành phố; hơn 600 quận, huyện, thị xã và gần 7.000 xã, phường, thị trấn với hơn 400.000 hội viên. Tổ chức hội vừa là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sống, vừa là điểm tựa để những hội viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp thêm sinh kế.
Những năm qua, các cấp hội đã vận động số tiền và hiện vật đạt trị giá gần 3.000 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hàng nghìn căn nhà tình nghĩa, hàng vạn suất học bổng, duy trì hoạt động của 26 trung tâm bảo trợ xã hội dành cho nạn nhân chất độc da cam...
Chung tay xoa dịu nỗi đau mang tên da cam còn có sự tham gia tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong cộng đồng. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái, qua các cuộc kháng chiến, Hà Nội ghi nhận hơn 50.000 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trong đó có hơn 13.000 người hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, các trường hợp nhận được sự quan tâm khác nhau. Nhờ đó, thành phố cơ bản không còn gia đình có nạn nhân da cam thuộc diện hộ nghèo. Không ít nạn nhân nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi, nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Có thể kể đến ông Kiều Duy Thân (xã Tam Đồng, huyện Mê Linh) đã hiến đất làm đường giao thông và có mô hình phát triển kinh tế đang tạo việc làm cho gần 40 con em gia đình chính sách. Ông Cao Xuân Oanh (xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ), với mô hình phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng, mang lại thu nhập khá…
Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố hiện có trên 5.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 1.400 trẻ em. Đến nay, Hội đã vận động được nguồn kinh phí 162 tỷ đồng để chăm sóc nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam.
Trong 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Thành hội cùng các cấp Hội cơ sở triển khai vận động nguồn lực xây mới và nâng cấp 11 ngôi nhà; trao 350 suất trợ dưỡng thường xuyên, 70 suất học bổng, 60 suất sinh kế, 80 xe lăn, xe đạp; hỗ trợ những trường hợp khó khăn đột xuất; tổ chức khám, chữa bệnh cho gần 90 nạn nhân và tặng gần 15.000 suất quà; bảo đảm nuôi dưỡng bán trú thường xuyên 110 trẻ là nạn nhân chất độc da cam…
Chăm lo sau đại dịch
Sau đại dịch COVID-19, Hội cũng đã có nhiều hoạt động tích cực giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Theo ông Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Trung ương Hội và các tỉnh, thành hội đã có nhiều nỗ lực triển khai toàn diện các mặt công tác. Các cấp hội đã vận động các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả; tích cực mở rộng đối tượng, phạm vi vận động và hỗ trợ nguồn lực. 6 tháng đầu năm 2022, Hội các cấp đã vận động được hơn 202 tỷ đồng; đã chi cho công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân làm nhà, sinh kế, nuôi dưỡng nạn nhân… tổng số hơn 212 tỷ đồng đồng. Các Trung tâm Bảo trợ xã hội đã nuôi dưỡng, dạy nghề cho 1.813 lượt nạn nhân.
Trong công tác tuyên truyền, các tỉnh, thành hội đã chủ động thực hiện và hiệp đồng với các đơn vị ký kết phối hợp hoạt động, tổ chức 4.560 cuộc gặp mặt. Công tác đối ngoại tiếp tục duy trì quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, như: tham gia hội thảo trực tuyến với Viện hoà bình Hoa Kỳ; làm việc trực tuyến với Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore… Trung ương Hội làm việc với bà Trần Tố Nga những nội dung liên quan đến vụ kiện để hội phối hợp thực hiện.
Hội cũng tập trung giải quyết đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền lợi của tổ chức hội và nạn nhân; nhất là việc thực hiện chế độ chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con đẻ của họ.
Hội cũng đẩy mạnh công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; trong đó, chương trình nhắn tin từ thiện “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam – 2022), Tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả các dự án do tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư và nước ngoài tài trợ.