Như vậy tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đã đội vốn thêm gần 800 triệu USD so với mức đầu tư ban đầu là 1,374 tỷ USD (phê duyệt năm 2010); đồng thời TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị lùi thời hạn hoàn thành dự án tuyến metro số 2 vào năm 2024 thay cho năm 2018 nhằm để đảm bảo đủ thời gian hoàn thành dự án theo yêu cầu của thực tế.
Nguyên nhân đội vốn là do tác động từ yếu tố trượt giá, chi phí tài chính, xây dựng do thay đổi thiết kế cơ sở (tăng chiều dài các nhà ga ngầm, bổ sung khối lượng công trình kết nối với các tuyến metro số 5, 6…).
Tuyến metro số 2 là 1 trong 8 tuyến metro đã được phê duyệt với chiều dài toàn tuyến gần 20 km có hướng tuyến từ Bến xe Tây Ninh – Trường Chinh – Tham Lương – Cách Mạng Tháng Tám – Phạm Hồng Thái – Lê Lai - Bến Thành – Thủ Thiêm.
Sơ đồ toàn tuyến metro số 2 (màu vàng). Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh. |
Dự án tuyến metro số 2 được chia thành 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 (Bến Thành – Tham Lương) có tổng chiều dài 11,3 km với 11 nhà ga, trong đó có 9,3 km đi ngầm và 2 km đi trên cao đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú.
Trước đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng đã bị đội vốn từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng. Theo lý giải của Ban quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, việc điều chỉnh tăng vốn do tăng khối lượng xây dựng (đầu máy, toa xe, trang thiết bị, hệ thống tiên tiến…); sự biến động khách quan của nguyên – nhiên liệu do trượt giá (biến động kinh tế 2007 – 2009), tăng lương tối thiểu từ năm 2006 – 2009); cập nhật tỷ giá Yên Nhật; tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro...
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang triển khai. |
Cụ thể vào tháng 4/2007, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án tuyến metro số 1 với tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng. Đến năm 2009, tổng mức đầu tư dự án được đơn vị tư vấn của Nhật Bản cập nhật, tính toán lại lên mức khoảng 47.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Thành phố.