Theo đó, bão số 6 (tên quốc tế là TRAMI) đang hoạt động trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có cường độ mạnh (sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 và dự báo còn tiếp tục mạnh lên cấp 11-12, giật cấp 14-15), hướng di chuyển còn diễn biến phức tạp, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ, đe dọa trực tiếp đến an toàn các tuyến đê, kè biển, cửa sông ven biển.
Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương nêu trên báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các Công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai ứng phó với bão số 6.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê, kè đang thi công dở dang (như đê Tây phá Cầu Hai, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế; kè chống xói lở bờ biển xóm Rớ và kè chống sạt lở, bồi lấp cửa biển Đà Diễn, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương chỉ đạo việc bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão và tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo.