Đây không chỉ là một chính sách kịp thời và nhân văn trong bối cảnh chính quyền địa phương chuyển mình theo mô hình hai cấp, mà còn là sự ghi nhận rõ ràng cho những đóng góp bền bỉ, lâu dài của một lực lượng đã lặng lẽ vận hành bộ máy cơ sở suốt thời gian qua.
Các lao động không chuyên trách tại TP Hồ Chí Minh có thêm cơ hội cống hiến.
Trao cơ hội mới cho người ở lại
Ngày 30/6/2025, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 170/2025/NĐ-CP, quy định người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã là một trong các đối tượng được xem xét tiếp nhận vào công chức, nếu đáp ứng các điều kiện cụ thể. Động thái này được xem như một bước tiến quan trọng, thể hiện sự ghi nhận rõ ràng của Nhà nước đối với đội ngũ đã và đang đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại cơ sở.
Tại phường Hiệp Bình (thành phố Thủ Đức cũ), một trong những phường có quy mô dân số lớn nhất TP Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ rất đông với 192 cán bộ, công chức và 58 người hoạt động không chuyên trách.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hiệp Bình, địa phương đã chủ động sắp xếp lại đội ngũ sau sáp nhập, bố trí công việc đúng với chuyên môn, nghiệp vụ nhằm vận hành bộ máy hiệu quả hơn.
“Hầu hết người hoạt động không chuyên trách ở phường đều có bằng cấp, kinh nghiệm và từng gắn bó nhiều năm tại cơ sở. Với chính sách mới, chúng tôi xem đây là cơ hội để tiếp nhận thêm nhân lực chất lượng, giải quyết nguyện vọng chính đáng và bảo đảm quyền lợi cho họ”, ông Tuấn cho biết thêm.
Tại phường Tân Bình, nhiều người hoạt động không chuyên trách đã trải qua giai đoạn đầy lo lắng khi biết mình thuộc diện phải nghỉ việc sau 30/6/2025. Thế nhưng, Nghị định 170 như một luồng sinh khí mới giúp họ có thêm hy vọng để tiếp tục được cống hiến.
Chị Nguyễn Thị Sương Mai, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Phường 13, nay đang công tác tại Ban Xây dựng Đảng phường Tân Bình cho biết: “Biết mình được tiếp tục làm việc đến tháng 5/2026 và có thể được xét tuyển vào công chức, tôi thực sự phấn khởi. Đây là sự động viên lớn đối với những người đã gắn bó nhiều năm ở cơ sở như tôi’’.
Chị Huỳnh Thị Ty Vy được trao cơ hội cống hiến cho công việc hành chính.
Cũng tại phường Tân Bình, chị Trịnh Thị Thúy Ngần, người có gần 18 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, từng rơi vào khủng hoảng khi nhận thông tin phải nghỉ sau khi sắp xếp cán bộ. Là mẹ đơn thân, đang thuê trọ nuôi con, chị Ngần từng nộp đơn xin nghỉ việc. Nhưng sau khi Nghị định được ban hành, chị Thúy Ngần đã quyết định rút đơn để tiếp tục theo công việc mình yêu thích. “Tôi cảm thấy Nhà nước rất thấu hiểu và nhân văn. Tôi mong được tiếp tục phục vụ trong hệ thống mà tôi đã gắn bó gần cả đời”, chị Thúy Ngần xúc động nói.
Tương tự, chị Huỳnh Thị Ty Vy, cán bộ không chuyên trách phường Tân Bình xúc động cho biết: “Sau sắp xếp bộ máy hành chính, chúng tôi từng lo mất việc, mất thu nhập nhưng giờ lại được trao cơ hội mới để tiếp tục gắn bó với công việc mình yêu thích. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình với những công việc phục vụ nhân dân’’.
Theo Nghị định 170, người hoạt động không chuyên trách sẽ được xét tuyển nếu có ít nhất 5 năm công tác, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, công việc phù hợp với chuyên môn và không vi phạm kỷ luật. Việc xét duyệt sẽ do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện, căn cứ vào nhu cầu và chỉ tiêu biên chế tại đơn vị.
Tạo động lực chuyển đổi, giữ lửa cống hiến
Theo thống kê, tại TP Hồ Chí Minh hiện có số lượng người hoạt động không chuyên trách rất lớn. Trước khi thực hiện sáp nhập, toàn thành phố có đến 5.562 người thuộc nhóm này. Theo kế hoạch, đến ngày 30/6/2025, phần lớn sẽ kết thúc nhiệm vụ, đồng thời trong 5 năm tới, Thành phố cũng đặt mục tiêu tinh giản 20% biên chế hưởng lương từ ngân sách. Trước áp lực đó, Nghị định 170 không chỉ giải quyết được phần nào bài toán nhân sự dôi dư, mà còn giữ lại được lực lượng am hiểu địa bàn, giàu kinh nghiệm. Đây là một chính sách được đánh giá nhân văn, đi thẳng vào nhu cầu thực tế và nguyện vọng chính đáng của người lao động ở cấp cơ sở.
Đại diện Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi Nghị định được ban hành, nhiều địa phương đã nhanh chóng rà soát và đề xuất danh sách người đủ điều kiện để xét tuyển vào công chức. Các trường hợp không được tiếp tục bố trí cũng đang được hỗ trợ các chính sách như trợ cấp nghỉ việc, chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo lại kỹ năng, giới thiệu việc làm...
Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị hoàn tất đề án tổ chức bộ máy và gửi về Sở Nội vụ trước ngày 21/7/2025 để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, Thành phố cũng khẩn trương hoàn thiện các gói chính sách đồng hành với người lao động, không chỉ để giữ ổn định tâm lý đội ngũ trong giai đoạn chuyển giao mà còn làm nền tảng để xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Chia sẻ về ý nghĩa của Nghị quyết 170, TS. Bùi Thu Hằng, chuyên gia hành chính công, phía sau những dòng chính sách, văn bản và con số là hàng ngàn con người đã cống hiến lặng lẽ cho sự vận hành của bộ máy nhà nước đang trong giai đoạn này. Với mức phụ cấp còn khiêm tốn, môi trường làm việc chưa ổn định, những cán bộ không chuyên trách vẫn kiên trì đồng hành cùng địa phương qua nhiều năm. Giờ đây, chính sách mới trên như một sự công nhận xứng đáng với những nỗ lực âm thầm ấy trong bối cảnh trong việc chuyển giao sang chính quyền hai cấp.
''Trong tiến trình tinh gọn bộ máy hành chính, điều quan trọng không chỉ là giảm số lượng mà còn là giữ được người tài, người thực sự có tâm huyết với công việc nhà nước. Nghị định 170 không chỉ mở ra cánh cửa nghề nghiệp mà còn giúp khơi dậy lại niềm tin, động lực và lòng yêu nghề của đội ngũ từng bị “bỏ quên” trong hệ thống suốt nhiều năm'', TS. Thu Hằng nói.