Háo hức chờ nước về
Những ngày cuối năm, nhiều người dân ở các quận, huyện ngoại thành như Quận 12, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh... háo hức và bày tỏ niềm vui khi sau bao năm mơ ước cuối cùng cũng đã có nước sạch để sử dụng. Đây cũng là mục tiêu mà TP Hồ Chí Minh đang hướng đến để người dân ai ai cũng được sử dụng nước sạch, nhằm kéo giảm tình trạng bệnh tật vì sử dụng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn Tấn Sơn ở xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) cho biết, khi những tuyến đường ống nước được các công nhân Công ty Trung An (thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn - SAWACO) triển khai nhằm đưa nước vào nhà từng người dân, ông đã hồi hộp đến mất ngủ. Ông và nhiều người dân cùng tham gia với công nhân để thi công các đường dẫn nước sạch đến từng nhà nhanh hơn. “Nhiều năm nay, người dân ở đây phải sử dụng nước giếng khoan và nước này cũng đang bị ô nhiễm, không thể sử dụng, nên khi nghe có thông tin lắp đường uống nước sạch ai cũng rất vui”, ông Nguyễn Tấn Sơn cho biết.
Tương tự, tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), nhiều người dân cũng đã rất vui mừng khi nước sạch đã về đến tận nhà. "Tôi sống ở đây đã gần 70 năm, năm nay mới có nước sạch để xài. Khi công nhân thi công nước máy đến, chính quyền địa phương còn kết hợp trải bê tông con đường trong ấp rộng rãi, khang trang nên người dân ai cũng vui lắm, vì vừa có đường đi lại vừa có nước sạch để dùng. Từ nay, chúng tôi không còn lo sợ bị ngứa, phải mua máy lọc nước như trước nữa", bà Lê Thị Lành ngụ ở xã Vĩnh Lộc B phấn khởi cho biết.
Theo báo cáo của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, hơn 100 mẫu nước sông, kênh rạch và nước giếng khoan đang được các hộ dân sử dụng tại thành phố Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi đều bị nhiễm vi sinh vật với nồng độ rất cao. Cụ thể, sau khi lấy mẫu nước giếng khoan tại các quận, huyện ngoại thành kiểm tra, hầu như nước ở các khu vực này đều có độ pH thấp, tỷ lệ mẫu không đạt là 41% (82/197 mẫu không đạt), hàm lượng Amoni trong nước giếng đều vượt giới hạn cho phép…
Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong điều kiện phát triển của TP Hồ Chí Minh, chất lượng nước ngầm ngày càng ô nhiễm nên việc sử dụng lâu dài nguồn nước này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nếu sử dụng nguồn nước này, người dân có thể bị vi khuẩn xâm nhập, nhiễm các bệnh về da liễu, niêm mạc… Vì vậy, việc đưa nguồn nước sạch đến với người dân là rất khẩn thiết, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người thân.
Tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm
Hiện nay, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn đang nỗ lực thực hiện chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nước ngầm theo văn bản chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh. Theo đó, SAWACO đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025 hạn chế tối đa khai thác nước ngầm. Trong đó, nâng tổng công suất hệ thống cấp nước từ 2,4 triệu m3/ngày đêm lên 2,9 triệu m3/ngày đêm, tỉ lệ thất thoát nước giảm xuống còn 18%.
Mặt khác, để có thể cấp nước sạch cho toàn bộ người dân thành phố, SAWACO đã huy động nhiều nguồn lực và áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có nguồn lực quan trọng từ xã hội hóa. Mặc dù ngành cấp nước đã phủ mạng lưới cấp nước tới địa phương và gắn đồng hồ nước tới từng nhà nhưng thực tế rất nhiều hộ không sử dụng nguồn nước sạch này mà vẫn sử dụng nước ngầm.
Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc SAWACO cho biết, hiện nay, số lượng khách hàng đã có đồng hồ nước nhưng không sử dụng chiếm khoảng 7%/tổng số khách hàng và 10% số lượng khách hàng có mức tiêu thụ rất ít (từ 1 - 4 m3/tháng). Trong đó, số lượng hộ dân không sử dụng nước tại các quận vùng ven cao hơn rất nhiều lần so với mức bình quân toàn thành phố. Chẳng hạn tại huyện Hóc Môn, người dân không sử dụng chiếm 25%; tại Quận 12 người dân không sử dụng chiếm 18%...
Theo đó, tính đến nay, Tổng công ty còn duy trì khai thác 22 trạm/nhà máy nước với tổng công suất khai thác nước ngầm là 67.000 m3/ngày. Ðối với các trạm cấp nước đang vận hành, Tổng công ty luôn tổ chức lấy mẫu nước kiểm nghiệm theo định kỳ nhằm giám sát chặt chẽ và bảo đảm chất lượng nước đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, sản lượng khai thác nước ngầm của Tổng công ty đã giảm gần 40% so với sản lượng khai thác ở thời điểm cuối năm 2017, trước khi UBND TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Thanh Giang, hiện nay, do mạng lưới cấp nước của Thành phố chưa hoàn thiện, nhất là đối với các khu vực đô thị mới, khu vực vùng ven (thuộc địa bàn huyện Bình Chánh) nên SAWACO vẫn phải dùng hệ thống giếng khoan dự phòng. Theo đó, SAWACO cũng đang đề xuất UBND Thành phố cho điều chỉnh lộ trình giảm khai thác nước ngầm, cho phép kéo dài thời hạn giảm khai thác nước ngầm đến năm 2030.