Theo ông Bùi Xuân Cường, việc không cấm mà kiểm soát nhu cầu sử dụng xe máy và khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng nằm trong mục tiêu giải quyết ùn tắc giao thông của TP Hồ Chí Minh. Do vậy, phát triển vận tải hành khách công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân là chiến lược, định hướng của thành phố đang triển khai thực hiện.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Lương Hoài Nam, Nguyên Tổng Giám đốc hãng hàng không Jetstar, cho rằng TP Hồ Chí Minh nên xác định xe buýt là loại hình chiến lược và chủ lực từ nay đến năm 2030. Do vậy, với xe buýt nhanh BRT, cần phải thực hiện một cách chọn lọc, đến năm 2030 chỉ nên có 3 tuyến, nếu làm nhiều sẽ dẫn tới nguy cơ “vỡ trận”.
Kẹt xe là nỗi ám ảnh của người dân TP Hồ Chí Minh khi ra đường mỗi ngày. |
Ngoài ra, TS. Nam còn kiến nghị TP Hồ Chí Minh cũng cần phải có kế hoạch và chiến lược phát triển loại hình vận tải giao thông công cộng công suất nhỏ, có tính chất thu gom, phù hợp với đặc điểm thành phố có nhiều hẻm nhỏ.
“Ở các nước phát triển, ban đầu thị phần xe buýt luôn ở mức cao nhất, rồi từng bước đầu tư phương tiện giao thông công cộng sức chứa lớn hơn, sau đó làm metro, xe buýt nhanh BRT thay thế dần xe buýt”, TS. Nam nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, để hạn chế phương tiện xe cá nhân cần tính toán bãi giữ xe, thu phí phương tiện cơ giới cao tại một số khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, PGS. TS Hoàng cũng đề nghị nên dừng hoạt động xe cá nhân vào năm 2030 và có chính sách thu mua xe máy cũ cho người dân.
TP Hồ Chí Minh không cấm nhưng kiểm soát nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. |
Đồng quan điểm, TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho rằng cần phân ra khu vực để có sự đánh giá, tập trung vào các khu vực ùn tắc giao thông. Cấm xe máy phải gắn với cải tạo đô thị đồng thời di dời bến xe, trường học ra khu vực ngoại thành.
Về đề án của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, thành phố cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như: tăng cường xe buýt, xe buýt nhanh, metro, xe đạp công cộng, sử dụng xe buýt nhiên liệu sạch, xe buýt hỗ trợ người khuyết tật, bố trí hợp lý các điểm trung chuyển xe buýt gần các giao cắt giữa trục chính với tuyến vành đai, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống vé điện tử, xây dựng bản đồ số trực tuyến.
Mặt khác cần xây dựng tuyến đường sắt kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành; mở mới các tuyến buýt điện kết nối các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính trên địa bàn; nhanh chóng triển khai 2 tuyến buýt đường sông (Linh Đông – Bạch Đằng và Bạch Đằng – Lò Gốm).
Về nhóm giải pháp tăng cường quản lý phương tiện tận tải hành khách công cộng, trước mắt thành phố cần lập quy hoạch tận tải hành khách bằng xe taxi, xe hợp đồng đến 9 chỗ; quy định số lượng xe máy được phép đăng ký hoạt động đối với các doanh nghiệp kinh doanh như Grab, Uber; nghiên cứu quy định các tuyến phố, khu vực cấm taxi hoạt động vào giờ cao điểm và toàn bộ thời gian trong ngày.
TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu phát triển hệ thống xe buýt BRT. |
Đối với nhóm giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân, đề án của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đề xuất việc quy định chủ sở hữu ô tô trên địa bàn thành phố phải mở tài khoản và lắp thiết bị phụ trợ phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông; giới hạn đăng ký mới hàng năm trên địa bàn các quận, huyện đối với ô tô con cá nhân, xe máy; quy định xe ô tô biển số chẵn đi vào ngày chẵn, biển số lẻ đi vào ngày lẻ.
Cùng với đó tiến hành thống kê số lượng xe mô tô, xe gắn máy ba bánh, bốn bánh vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn, tiến tới ngưng hoạt động của các loại phương tiện này; lập đề án thu phí đối với ô tô các loại vào một số khu vực trung tâm thành phố; cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố…