Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo tình ái qua mạng và những cách nhận diện

Trong những năm gần đây, lừa đảo tình ái đã trở thành một trong những mối nguy hiểm lớn đối với người dùng internet. Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, các kẻ lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi hơn trong việc lợi dụng lòng tin và khao khát tình cảm của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.

Theo cảnh báo của các chuyên gia an ninh mạng, hiện các hình thức lừa đảo tình ái đã biến tướng theo nhiều cách khác nhau, khiến cho việc nhận diện và đối phó với chúng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Ngày càng phức tạp và tinh vi

Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2025, các vụ lừa đảo tình ái qua mạng tại Việt Nam tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong dịp Lễ tình nhân 14/2. Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tâm lý tìm kiếm tình yêu của nhiều người, đặc biệt là những người cô đơn, dễ tổn thương, để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản. Những đối tượng này thường tạo dựng mối quan hệ giả mạo qua các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Facebook, Zalo và các nền tảng mạng xã hội khác.

Điển hình là vụ lừa đảo xảy ra vào năm 2024 với anh Dư Hồng Cư, một người đàn ông ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua ứng dụng hẹn hò trên Facebook, anh Cư đã làm quen với một phụ nữ tên là "Vy Lê", người đã tạo dựng một câu chuyện tình cảm đầy cảm động. Sau một thời gian tâm sự qua mạng, người phụ nữ này đã yêu cầu anh Cư chuyển tiền cho cô ta nhiều lần với lý do mẹ mất vì COVID-19, rồi đến việc cần tiền chữa bệnh và sửa chữa nhà cửa.

Chú thích ảnh
Các vụ lừa đảo qua email được phát hiện ngày càng tăng tại Việt Nam.

Tổng cộng, từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2022, anh Cư đã chuyển cho "Vy Lê" gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi anh Cư quyết định trực tiếp gặp gỡ người tình ảo của mình, anh phát hiện rằng mọi chuyện đều là giả dối. "Vy Lê" thực chất là Bùi Thị Hồng Ngọc, một người phụ nữ đã có gia đình và đã lừa đảo rất nhiều nạn nhân trong suốt thời gian qua. Sau khi anh tố giác, Hồng Ngọc đã bị bắt và tuyên án 13 năm tù.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, lừa đảo tình ái không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là một hiện tượng toàn cầu. Những kẻ lừa đảo từ các quốc gia khác, đặc biệt là từ Nigeria, Ấn Độ và Campuchia, thường xuyên tấn công các nạn nhân ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Các kẻ lừa đảo sử dụng các phương thức truyền thông như email, tin nhắn trên ứng dụng hẹn hò, thậm chí là gọi điện trực tiếp để dụ dỗ các nạn nhân, gây thiệt hại tài chính cho họ.

Hơn nữa, những kẻ lừa đảo tình ái ngày nay không chỉ tấn công cá nhân mà còn mở rộng chiến lược của mình vào các công ty hoặc tổ chức, đặc biệt trong các mối quan hệ B2B. Chúng giả mạo là nhà đầu tư hoặc đối tác kinh doanh và yêu cầu các công ty phải trả phí, hoặc chi phí đầu tư trước để "đảm bảo sự hợp tác". Những cuộc tấn công này thường kéo dài trong nhiều tháng, tạo dựng lòng tin và sự hợp tác trước khi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin tài chính nhạy cảm.

Nhận diện các chiêu trò lừa đảo

Có nhiều lý do khiến những vụ lừa đảo tình ái qua mạng ngày càng gia tăng và nhiều người trở thành nạn nhân. Một trong những yếu tố quan trọng là sự thiếu nhận thức và kỹ năng bảo mật của người dùng. Nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc ít sử dụng công nghệ, dễ dàng tin vào các lời mời gọi tình cảm và cơ hội tài chính từ những người lạ trên mạng.

Chú thích ảnh
Các vụ lừa đảo tình ái qua mạng ngày càng phức tạp và tinh vi, khiến nhiều người khó nhận biết.

Bên cạnh đó, tâm lý cô đơn và khao khát tình cảm là một yếu tố khiến nhiều người dễ dàng trở thành mục tiêu của kẻ lừa đảo. Những kẻ này thường xây dựng một mối quan hệ tình cảm giả mạo rất nhanh chóng và khéo léo, làm cho nạn nhân cảm thấy họ có một "tình yêu đích thực". Chính cảm giác này đã khiến nhiều người không còn đủ tỉnh táo để nhận diện những dấu hiệu bất thường, dẫn đến việc chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân mà không suy nghĩ kỹ.

Thêm vào đó, việc sử dụng các nền tảng trực tuyến và ứng dụng hẹn hò mà không có sự kiểm tra và xác minh thông tin kỹ lưỡng là một trong những nguyên nhân lớn khiến nhiều người bị lừa. Các kẻ lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết về bảo mật, sự thuận tiện của công nghệ để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản mà không bị phát hiện.

Các chuyên gia an minh mạng Kaspersky nhận định, lừa đảo tình ái không còn là một chiêu trò đơn giản mà đã trở thành một hình thức tội phạm rất tinh vi và ngày càng xuất hiện nhiều biến tướng mới. Các kẻ lừa đảo đã áp dụng những phương thức mới để dụ dỗ nạn nhân, tạo ra những câu chuyện tình cảm giả mạo và thu hút sự chú ý của những người cô đơn qua các nền tảng trực tuyến.

Một trong những biến tướng mới và đặc biệt nguy hiểm trong các vụ lừa đảo tình ái là việc mạo danh các tổ chức tôn giáo hoặc hội kín nổi tiếng, như Illuminati. Kẻ lừa đảo sẽ tự xưng là thành viên của những tổ chức này và dụ dỗ nạn nhân tham gia, hứa hẹn quyền lực, tài sản hoặc một cuộc sống giàu có nếu nạn nhân đồng ý gia nhập hội kín. Để gia nhập, người nhận phải trả một khoản phí “nhập hội” hoặc các chi phí khác và đây chính là cách để kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Một biến tướng nữa của lừa đảo tình ái là việc lợi dụng các sự kiện toàn cầu hoặc các dịp lễ lớn để thực hiện các vụ lừa đảo. Các kẻ lừa đảo sử dụng những sự kiện như đại dịch COVID-19, bầu cử tổng thống Mỹ, các hội nghị quốc tế, hoặc thậm chí là các sự kiện thể thao lớn để tạo ra các tình huống giả mạo. Họ gửi những thông điệp giả mạo về việc "trúng thưởng", "được mời tham gia sự kiện đặc biệt", hoặc "nhận cơ hội đầu tư với lợi nhuận cao" để thuyết phục nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản của chúng.

Ví dụ, trong một số vụ lừa đảo, kẻ gian tuyên bố rằng nạn nhân đã trúng một khoản tiền lớn từ một giải thưởng quốc tế, nhưng để nhận được tiền thưởng, họ cần phải thanh toán một khoản phí trước cho chi phí pháp lý hoặc chi phí chuyển khoản quốc tế. Khi nạn nhân chuyển tiền, chúng sẽ lập tức mất tích và không thể liên lạc lại.

Hình thức khác của lừa đảo tình ái được biến tướng gần đây khác là kẻ lừa đảo tạo dựng một mối quan hệ tình cảm qua mạng, sau đó gửi lời mời “gửi quà tặng” cho nạn nhân. Tuy nhiên, khi quà tặng chuẩn bị được gửi đi, kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân thanh toán một khoản phí vận chuyển hoặc chi phí khai báo hải quan. Trong một số trường hợp, nạn nhân thậm chí sẽ không nhận được món quà nào và bị mất tiền cho các chi phí mà họ không hề hay biết là giả mạo.

Một chiêu thức khác mà các kẻ lừa đảo đang sử dụng là mạo danh là người gặp phải tai nạn hoặc bệnh tật nghiêm trọng. Họ xây dựng câu chuyện về một "tai nạn" hoặc "bệnh hiểm nghèo" mà bản thân hoặc người thân của họ gặp phải, từ đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để giúp đỡ trong tình huống khẩn cấp. Những câu chuyện này thường được kèm theo các hình ảnh bệnh viện hoặc biên lai giả mạo để tăng độ tin cậy.

Đáng lo ngại, những biến tướng lừa đảo tình ái này ngày càng trở nên phức tạp và khó phát hiện, đòi hỏi người dùng mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò phải luôn cảnh giác và có những biện pháp bảo vệ phù hợp. Các chuyên gia bảo mật và cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân nên nâng cao nhận thức, tránh cung cấp thông tin cá nhân và tài chính qua các nền tảng không xác minh rõ ràng, đồng thời báo ngay cho cơ quan công an khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ.

Hải Yên/Báo Tin tức
Hàn Quốc phá vỡ đường dây người nước ngoài lừa đảo tình cảm để lấy tiền
Hàn Quốc phá vỡ đường dây người nước ngoài lừa đảo tình cảm để lấy tiền

Theo hãng tin Yonhap, cảnh sát thủ đô Seoul ngày 21/12 cho biết đã bắt giữ hàng chục đối tượng người nước ngoài với cáo buộc lừa đảo khoảng 1,9 tỉ won (1,45 triệu USD) từ 30 người bằng cách mạo danh là lính Mỹ hoặc bác sĩ trong các vụ lừa đảo tình cảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN