Ông Trần Văn Giáp, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý cho biết, gia đình ông và một số bà con trong thôn có phơi lúa ở đường giao thông do sân của gia đình quá nhỏ, không đủ diện tích để phơi thóc. Các hộ chỉ tận dụng quãng thời gian ngắn 1 - 2 ngày để phơi thóc, rồi xuất bán luôn chứ không chở về nhà.
Ngoài việc biến đường giao thông thành “sân phơi” nông sản, nhiều người dân còn tự ý đốt rơm gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia giao thông. Gần đấy, trong ngày 8/6, rất nhiều cánh đồng ở khu vực ven thành phố Phủ Lý đồng loạt đốt rơm, rạ khiến cho không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, khói mù bao trùm cả thành phố trong nhiều giờ liền tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và gây cảm giác khó chịu. Cũng theo ông Trần Văn Giáp, trước đây thu hoạch xong người ta còn tích trữ rơm, rạ để cho gia súc mùa đông nhưng giờ ít nhà còn nuôi trâu bò nên đốt luôn khỏi phải đưa về nhà. Đó còn là cách chuẩn bị cho việc làm đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ sau.
Đường tỉnh lộ rộng 12m được nông dân xã Thanh Liêm tận dụng làm sân tuốt và phơi lúa. |
Thói quen đốt rơm rạ, biến mặt đường thành sân phơi nông sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, gây bức xúc cho rất nhiều người tham gia giao thông. Anh Nguyễn Xuân Hoàng, xã Thanh Hương huyện Thanh Liêm bức xúc nói: Tôi làm nghề lái xe tải nên thường xuyên phải chạy qua nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên thôn. Đây là thời điểm mà người dân phơi thóc, rơm rạ tràn lan lòng đường khiến cánh lái xe chúng tôi rất khó điều khiển được phương tiện trong khi một số đoạn đường cong che khuất tầm nhìn, mật độ phương tiện gia tăng nhiều khi rất khó xử lý. Nếu chạy xe nhanh sẽ lao thẳng vào lúa đang phơi dễ gây tai nạn và dễ dẫn đến xích mích. Người dân còn đốt rơm rạ vào cuối các buổi chiều khiến bụi lúa, bụi rơm bay thẳng vào người rất khó chịu; vừa hạn chế tầm nhìn lại gây cay mắt dễ gây ra tai nạn giao thông. Tình trạng này diễn ra gần như thường xuyên mỗi khi vào vụ thu hoạch.
Các cơ quan chức năng, các địa phương trong tỉnh Hà Nam cần có những giải pháp quyết liệt, nghiêm cấm phơi rơm, rạ, thóc lúa và các vật cản khác trên đường giao thông, đặc biệt là việc đốt rơm, rạ trên các tuyến đường giao thông; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân.