Thủy điện Thượng Nhật nhiều lần vi phạm quy định tích nước hồ khi chưa được cấp phép

Ngày 16/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đánh giá tình hình thiệt hại và triển khai khắc phục bão số 13, trong đó chỉ đạo xử lý nghiêm đơn vị quản lý Thủy điện Thượng Nhật vi phạm quy định tích nước hồ.

Chú thích ảnh
Lực lượng Công an giám sát Thủy điện Thượng Nhật mở 5 cửa van để ứng phó với bão số 13. Ảnh: TTXVN phát

Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu xử lý kiên quyết việc Thủy điện Thượng Nhật đã nhiều lần vi phạm quy định tích nước hồ khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép; đồng thời giao Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông trong ngày 16/11 tiến hành xử phạt đơn vị quản lý thủy điện này theo Nghị định số 36/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

UBND tỉnh cũng yêu cầu đơn vị quản lý Thủy điện Thượng Nhật thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mở hoàn toàn 5 van xả nước, không được tích nước; giao Sở Công Thương rà soát, đánh giá lại lại việc cho phép hoạt động của Thủy điện Thượng Nhật.

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai biện pháp cưỡng chế đơn vị quản lý Thủy điện Thượng Nhật mở 5 cửa van để ứng phó với bão số 13, giao lực lượng công an và chính quyền địa phương giám sát.

Công trình nhà máy Thủy điện Thượng Nhật do Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11MW, hiện chưa được các cơ quan chức năng cấp phép để tích nước. Tuy nhiên, đơn vị quản lý công trình này nhiều lần vi phạm quy định, tự ý tích nước hồ. Cuối tháng 10/2020, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung đề nghị không mua điện đối với nhà máy Thủy điện Thượng Nhật, đến khi thủy điện này được các cơ quan chức năng cho phép tích nước.

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ biểu dương sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân toàn tỉnh trong việc triển khai các giải pháp ứng phó bão số 13.

Các địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tập trung vệ sinh môi trường, hỗ trợ vật chất, nhu yếu phẩm, sửa chữa nhà cửa hư hỏng cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Ngành y tế tăng cường thực hiện phòng chống dịch bệnh, các bệnh về đường ruột, sốt xuất huyết sau lũ lụt.

Ngành giáo dục khẩn trương rà soát và khắc phục thiệt hại, huy động các nguồn lực hỗ trợ sách giáo khoa, bàn ghế, đồ dùng học tập; bố trí phòng để học sinh các điểm trường còn ngập được học đảm bảo an toàn và đủ chương trình.

Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương hỗ trợ cây, con giống, khắc phục hệ thống thủy lợi để bà con chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân. 
   
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ảnh hưởng của cơn bão số 13 đã khiến 6 nhà bị sập, 4.687 nhà bị tốc mái; trong đó các địa phương bị nặng như Phú Vang, 2.150 nhà, Phú Lộc 909 nhà, Quảng Điền 785 nhà. Toàn tỉnh có 909 nhà bị ngập do triều cường; 31 điểm trường bị hư hỏng, tốc mái; 90 hecta rừng trồng bị đỗ gãy và 198 cây xanh đường phố bị đổ; 1.526 trạm biến áp bị mất điện. 

Triều cường, sóng lớn, nước dâng do bão số 13 đã làm cho bờ biển Thừa Thiên - Huế tiếp tục bị xói lở nặng với chiều dài hơn 14 km tập trung ở các đoạn xung yếu qua xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền, huyện Phú Lộc; xã Phú Diên, Phú Hải, huyện Phú Vang; xã Hải Dương, thị xã Hương Trà; xã Phong Hải thuộc huyện Phong Điền. Tình hình sạt lở bờ sông tiếp tục diễn biến phức tạp và sạt lở nặng, trong đó sông Hương đoạn qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà tiếp tục bị sạt lở với chiều dài khoảng 500 m; sông Bồ đoạn qua thị xã Hương Trà hơn 2 km; sông Bồ đoạn qua huyện Quảng Điền sạt lở hơn 3 km. Sông Thượng Nhật sạt lở hơn 1 km. Quốc lộ 49B bị ngập từ 0,2 - 0,7m đoạn qua địa phận xã Phong Bình, huyện Phong Điền và xã Phú Thanh huyện Phú Vang. Quốc lộ 49 A bị sạt lở taluy dương đoạn qua xã Hồng Hạ và Hương Nguyêm huyện A Lưới bị sạt lở 1 số điểm. 

Chủ động ứng phó với bão số 13, các địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng đã tổ chức di dời, sơ tán 22.348 hộ dân với 73.940 khẩu đến nơi an toàn; kêu gọi 2.062 tàu thuyền với 11.350 lao động vào nơi neo đậu an toàn; gia cố 7.586 lồng bè nuôi thủy sản.

Tường Vi (TTXVN)
Đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện miền Trung và Tây Nguyên
Đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện miền Trung và Tây Nguyên

Ngày 14/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 190/TWPCTT gửi Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN