Thuỷ điện Sông Côn 2 đền bù cho 122 hộ dân

Thời gian qua, một số hộ dân tại huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) bức xúc trước việc Nhà máy thuỷ điện Sông Côn 2 đã nâng cao trình đập tràn thêm 1m làm ngập một số diện tích đất sản xuất của người dân nhưng chưa tiến hành đền bù.


Hệ thống van lật được lắp đặt thêm đã nâng cao trình cột nước tại thủy điện Sông Côn 2 thêm 1m. Ảnh: tuoitre.vn


Sáng 24/12, đại diện Sở Công thương và UBND huyện Đông Giang khẳng định là phương án đền bù đã được lãnh đạo huyện phê duyệt và quan điểm của Sở Công thương Quảng Nam là cần đền bù thỏa đáng cho người dân trước khi tích nước theo cao trình mới.


Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Luyến cho biết: trước bức xúc của người dân bị mất đất sản xuất do nước dâng, lãnh đạo huyện cũng đã làm việc với Công ty chủ đầu tư Nhà máy Sông Côn để bàn cách tháo gỡ. Đến nay phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân bị mất đất đã được huyện phê duyệt. Theo đó, trong đợt này sẽ có 122 hộ dân được được đền bù, hỗ trợ với tổng số tiền khoảng 4,5 tỷ đồng.


Nhà máy Thủy điện Sông Côn 2 (thuộc Công ty cổ phần thuỷ điện Geruco Sông Côn) nằm trên địa bàn huyện Đông Giang, được khởi công xây dựng vào ngày 26/11/2005 với tổng mức đầu tư được duyệt là 1.055 tỷ đồng với quy mô công suất thiết kế là 57MW (trong quá trình thi công được nâng công suất lên thành 63MW).


Tháng 9/2009 hoàn thành công tác xây dựng và đưa vào vận hành toàn bộ các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sông Côn 2 phát điện vào hệ thống điện quốc gia, với tổng công suất các tổ máy là 63 MW.


Với thiết kế ban đầu, thủy điện Sông Côn 2 có cao trình nước dâng 278m. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian đưa vào vận hành, khai thác, cuối năm 2011 ban điều hành thủy điện Sông Côn 2 đã quyết định nâng đập tràn cao lên thêm 1m bằng cách lắp đặt lên thân đập một hệ thống van lật bằng sắt tấm.


Giải pháp này đã làm tăng lượng nước trong lòng hồ gần 1 triệu m3, từ đó mang lại cho nhà máy khoảng 10 tỉ đồng/năm, nhưng cũng làm hàng chục ngàn m2 đất sản xuất của người dân các xã Jơ Ngây, Sông Kôn, A Ting và Kà Dăng (Đông Giang) chìm trong nước.


Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam cho biết: sau khi đưa vào vận hành và phát điện năm 2009, nhà máy thuỷ điện Sông Côn 2 có có lắp đặt thêm một số thiết bị nhằm nâng cao trình đập tràn thêm 1m. Nhà máy đã có văn bản trình các Sở Công thương và một số ban, ngành liên quan nhằm hợp thức hoá sáng kiến này.


Sở Công thương cũng đã hướng dẫn Nhà máy tiến hành làm một số thủ tục theo quy định về mặt quản lý nhà nước để đưa vào sử dụng cao trình mới của đập. Sau khi đầy đủ thủ tục và được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt thì mới được tích nước theo cao trình mới. Tuy nhiên, quan điểm của Sở là Nhà máy cần đền bù, hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng do nước dâng ngập diện tích đất sản xuất trên một cách thỏa đáng.


Việc xây dựng nhà máy thuỷ điện là cực kỳ cần thiết, góp phần cung cấp nguồn điện năng phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Tuy nhiên, chủ đầu tư của các công trình thuỷ điện cần quan tâm hơn nữa việc đền bù, hỗ trợ và bố trí tái định cư và đất sản xuất trong vùng bị ảnh hưởng. Để làm sao người dân bị ảnh hưởng bởi các nhà máy thuỷ điện phải có nơi ở mới, đất sản xuất bằng hoặc hơn nơi ở cũ, như Trung ương đã đã chỉ đạo.



Nguyễn Sơn

Khánh thành thủy điện Sơn La
Khánh thành thủy điện Sơn La

Lễ cắt băng khánh thành công trình thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất của cả nước và khu vực Đông Nam Á đã diễn ra sáng 23/12 tại tỉnh Sơn La.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN