An toàn cho người dân vùng thủy điện là nhiệm vụ số một

Thời gian qua, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 liên tiếp xảy ra động đất gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân trong vùng. Vậy các nhà khoa học đã có những nghiên cứu, đề xuất gì để xử lý vấn đề trên? Đây là chủ đề được các nhà báo đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải.

 

´Thưa Thứ trưởng, thời gian qua thủy điện Sông Tranh 2 thường xảy ra động đất bất thường. Vậy, các nhà khoa học đã làm gì để an lòng dân, thưa ông?


Theo tôi thủy điện Sông Tranh 2 cần phải nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn, vì nó rất khác thường so với tất cả các nhà máy thủy điện khác. Thủy điện Sông Tranh 2 qui mô không phải là lớn, nhưng trước những khác thường ấy, thì khoa học phải trả lời thấu đáo. Trong khi chưa trả lời được một cách rõ ràng thì thực tế đang diễn ra với nhiều động thái đáng lo ngại. Quyết định của Chính phủ chưa cho tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 là hợp lý.


Trước những vấn đề trên, các nhà khoa học phải xử lý và phản ứng tích cực. Viện vật lý địa cầu đã lắp đặt các trạm quan trắc nhưng phải nghiên cứu thật cơ bản. Theo tôi, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Trước những bất thường ở thủy điện Sông Tranh 2, rủi ro cao cho nên với trách nhiệm trước sinh mạng của người dân thì công tác nghiên cứu khoa học phải làm hết sức khẩn trương, căn bản và tổng thể. Cần có những phương án để người dân ứng phó. Ngay một lúc phải di chuyển toàn bộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm là vấn đề không hề đơn giản. Cần có phương án tối ưu, kể cả tập huấn, giải pháp ứng phó nếu xảy ra tình huống xấu. Tôi đặt giả thiết “nếu” ở đây là độ rủi ro chúng ta phải tính đến.


Hiện nay, qua theo dõi thông tin của tôi thì Bộ KH&CN cũng có trách nhiệm trong việc này. Chúng tôi đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với Bộ Công Thương, chủ đầu tư và Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam tích cực nghiên cứu, giải quyết trước những quan ngại về an toàn thủy điện Sông Tranh 2. Lãnh đạo Bộ KH&CN đã có những thảo luận, phân công phối hợp với các cơ quan hữu quan một cách chặt chẽ, kịp thời.


´Vậy đến bao giờ có kết luận cuối cùng để trả lời dứt khoát vấn đề an toàn thủy điện Sông Tranh 2 để người dân yên tâm, thưa ông?


Theo tôi, để trả lời một cách căn cơ thì không thể ngay tức thì được, bởi vấn đề thủy điện Sông Tranh 2 là rất phức tạp, nó liên quan đến cấu trúc địa chất, địa tầng, hệ thống kiến tạo phức tạp. Có ý kiến cho rằng, cũng có sự ngẫu nhiên chứ chưa hẳn do tích nước thủy điện dẫn tới động đất, bởi động đất kích thích thường xuyên diễn ra thì khoa học cũng có thể dự báo trước được, nhưng với tần suất và cường độ lớn như ở Sông Tranh 2 là trường hợp cá biệt. Liệu có sự trùng lặp giữa động đất kích thích với việc chuyển dịch địa chất, địa chấn trong khu vực hay không? Đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu bởi khu vực này địa chất cũng tương đối phức tạp. Do tính chất phức tạp đó nên để trả lời căn cơ thì không thể ngày một ngày hai.


´Thưa ông nếu qua kiểm tra mà phát hiện ra lỗi của các nhà khoa học do không nghiên cứu kỹ, gây lãng phí trong đầu tư, thiếu an toàn thì sẽ xử lý trách nhiệm các nhà khoa học như thế nào?


Nếu có trường hợp đó xảy ra thì trách nhiệm đầu tiên là của chủ đầu tư. Nhiệm vụ các nhà khoa học nghiên cứu về khả năng xảy ra động đất mà đã làm hết trách nhiệm theo nhiệm vụ được giao thì không thể nói nhà khoa học thiếu trách nhiệm. Còn nếu nhà khoa học khi được giao nhiệm vụ mà anh nghiên cứu hời hợt, hoặc làm không hết trách nhiệm, không đúng với hợp đồng nghiên cứu khoa học thì nhà khoa học phải chịu trách nhiệm.


Về dự thảo Luật KH&CN (sửa đổi) do Bộ KH&CN vừa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII cũng có nhiều ý kiến cho rằng: Trong nghiên cứu khoa học cũng có rủi ro, không ai có thể biết hết được quy luật của tự nhiên, kể cả những nước tiên tiến. Cụ thể là Nhật Bản, khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại là vậy, nhưng họ vẫn chưa xử lý hết tác hại của động đất và sóng thần. Nên cứ đặt vấn đề trách nhiệm của nhà khoa học vào đây thì quả là vấn đề khó, nên đôi khi các nhà khoa học không dám làm.


Ví như thủy điện Sơn La, nghiên cứu địa chất, địa chấn, nghiên cứu nguy cơ về động đất và khả năng chống đỡ của thân đập với vấn đề động đất được các nhà khoa học tiến hành rất kỹ. Thậm chí còn lập những mô hình nghiên cứu, vì đây là công trình đặc biệt quan trọng không cho phép xảy ra những sơ xuất nhỏ. Nói như vậy không phải chúng ta chỉ tập trung vào những công trình quan trọng lớn, mà qua nghiên cứu, xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi), tại Điều 31 của Luật hiện hành qui định tất cả các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế xã hội đều phải có luận cứ khoa học. Nghĩa là phải đầu tư kinh phí, phải có những khoản chi để nghiên cứu những luận cứ khoa học, tránh những rủi ro. Tôi nghĩ những việc đó thời gian vừa qua chúng ta làm chưa hết và chưa đúng. Ở nước ta nhiều khi cứ cảm nhận thấy nó an toàn là tiến hành làm, nhưng không biết điều gì sẽ xảy ra, như vậy là không có căn cứ khoa học.


Trở lại vấn đề thủy điện Sông Tranh 2, việc giữ an toàn cho người dân là nhiệm vụ số một, không thể xem thường. Cần phải hết sức nghiêm túc trong việc xử lý vấn đề an toàn cho thủy điện Sông Tranh 2.


Nguyễn Viết Tôn (lược ghi)

Người dân Bắc Trà My nhận tiền hỗ trợ động đất

Hơn 3,7 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục thiệt hại do động đất xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My và giải quyết một số tồn đọng tại các khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 đã được đại diện Tập đoàn Điện lực bàn giao cho UBND huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN