Thực hư túi độn ngực bị vỡ do áp suất trên máy bay

Cộng đồng mạng mới đây chia sẻ trường hợp ca sĩ M.T.V. bị vỡ túi độn ngực khi đi máy bay, tuy nhiên, bác sĩ Phan Hiệp Lợi, Giám đốc bệnh viện thẩm mỹ Hiệp Lợi (quận 8) - người trực tiếp điều trị cho ca sĩ này, khẳng định đây chỉ là trường hợp ngẫu nhiên và xác định 100% không phải là do áp suất trên máy bay làm vỡ túi ngực.

Chú thích ảnh
Túi ngực bị vỡ có dịch màu vàng đã được lấy ra.

Bác sĩ Phan Hiệp Lợi cho biết, ca sĩ M.T.V đến bệnh viện trong tình trạng một bên túi độn ngực bị vỡ và có dịch màu vàng. Thông thường, khi túi độn ngực vỡ ra, nếu để lâu các chất silicone lỏng tiếp xúc với mô cơ thể có thể gây phản ứng viêm nhiễm, thậm chí không thoát ra được và đi vào phổi. Khi lấy ra, các bác sĩ phải làm sạch tất cả các mô và 6 tháng sau mới có thể đặt lại túi ngực.

Tuy nhiên, với tình trạng của bệnh nhân này, do phát hiện sớm nên chưa gây tổn hại nhiều đến ngực. “Tôi đã phẫu thuật, làm sạch toàn bộ các dịch tràn ra ngoài và đặt lại túi ngực ngay sau đó cho bệnh nhân. Sau ba ngày phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, phần túi ngực đặt vào cũng được đánh giá thành công 98%”, bác sĩ Lợi cho biết.

Chú thích ảnh
Bộ túi ngực này được ca sĩ M.T. V. đặt cách đây 7 năm với giá khoảng 2.000 USD.

Theo lời kể của ca sĩ M. T. V., trong lúc trên máy bay từ Đài Loan về Việt Nam, chị thấy ngực bị đau nhói và một bên ngực bị sưng phồng lên. Khi đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ cho biết có khả năng chị bị bể túi ngực, có hiện tượng dịch tràn ra các mô quanh vú và khuyên chị đến gặp bác sĩ đã từng phẫu thuật đặt túi ngực cho chị để lấy ra.

Khi ca sĩ M. T. V. gọi cho bác sĩ L.P. - người đã đặt túi ngực cho chị trước đó 7 năm, ông cho biết đã bị ung thư và về quê chữa bệnh, đóng cửa phòng khám. Sau đó, ca sĩ M.T.V đến công ty đã cung cấp túi ngực và đưa ra giấy bảo hành trọn đời tại thẩm mỹ viện của bác sĩ L.P. và theo giấy bảo hành này, nếu có vấn đề về túi ngực thì bác sĩ và nhà sản xuất sẽ chịu trách nhiệm làm lại cho cô. Tuy nhiên, khi cô tới công ty thì phía công ty lại yêu cầu cô gặp bác sĩ L.P. để lấy giấy chứng minh bác sĩ này đã từng nhập túi ngực tại công ty. Ca sĩ M. T. V. tiếp tục gọi điện thoại cho bác sĩ L. P. nhưng bác sĩ đã khóa máy.

Nói về nguyên nhân vỡ túi ngực của ca sĩ M. T. V., bác sĩ Lợi cho biết: Nguyên nhân túi ngực bị vỡ có thể là do túi không chất lượng, theo thời gian bị thoái hóa và bị biến chất đi. Với trường hợp của ca sĩ M.T.V, sau khi mổ lấy túi ngực ra thì thấy độ dai của vỏ túi bị xơ cứng, mất độ đàn hồi nên giòn, dễ vỡ, do đó chỉ cần có một tác động nhỏ hay đụng nhẹ không để ý cũng vỡ. “Đây là trường hợp ngẫu nhiên túi ngực bị vỡ khi lên máy bay và xác định một 100% không phải là do áp lực trên máy mà túi ngực bị vỡ”, bác sĩ Phan Hiệp Lợi cho hay.

Theo các bác sĩ thẩm mỹ, mỗi năm có hàng triệu phụ nữ đặt túi nâng ngực. Đa số những người làm ngực là người giàu có, nổi tiếng, doanh nhân... phương tiện di chuyển thường xuyên bằng máy bay nên không thể có chuyện vỡ túi ngực do áp suất máy bay. Việc vỡ túi ngực cũng không phải là trường hợp hi hữu. Khoa phẫu thuật thẩm mỹ của các bệnh viện mỗi năm cũng tiếp nhận vài trường hợp bị vỡ túi ngực.

Theo bác sĩ Phan Hiệp Lợi, biến chứng của đặt túi ngực phụ thuộc vào trình độ tay nghề của bác sĩ, chất lượng túi độn ngực, chăm sóc sau hậu phẫu… Do đó, phụ nữ có ý định làm đẹp thì phải đến cơ sở uy tín và gặp những bác sĩ có tay nghề để được tư vấn và thăm khám.

Đan Phương/Báo tin tức
Phú Yên: Nguy cơ thiếu vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem
Phú Yên: Nguy cơ thiếu vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem

Hiện nay lượng vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem dự trữ tại tỉnh Phú Yên đã gần hết, nếu không được Bộ Y tế cung ứng kịp thời nguy cơ sẽ thiếu loại vắc-xin này trong chương trình tiêm chủng mở rộng vào những tháng cuối năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN