Triển khai xây dựng nông thôn mới, bảo hiểm nông nghiệp và hỗ trợ nông dân giảm tổn thất sau thu hoạch là những vấn đề được nhiều độc giả quan tâm, chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại buổi trả lời trực tuyến trên cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 22/3.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, giai đoạn 2006 - 2010, Chính phủ bố trí 47% nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ để dành cho nông nghiệp, nông thôn, riêng vốn đầu tư qua Bộ đã tăng 2,2 lần. Đồng thời với việc tăng vốn đầu tư, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện hàng loạt cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới không thể máy móc
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở nông thôn là vấn đề lớn, yêu cầu nhiều công sức cũng như vốn đầu tư. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã huy động nhiều nguồn để hỗ trợ cho các vùng nông thôn. Nhờ vậy, nông thôn nước ta đã có những thay đổi. Nhưng, so với nhu cầu của sản xuất, của đời sống vẫn còn nhiều việc phải làm. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, đặc biệt là về Chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đang tiếp tục huy động các nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp cho các xã để tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là quá trình chúng ta muốn làm nhanh nhưng nguồn lực có hạn nên vẫn phải làm từng bước.
Hiện nay cả nước đang bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định về 19 tiêu chí nông thôn mới, với 39 tiêu chí phụ. Đề nghị các địa phương căn cứ vào tiêu chí đó để tổ chức triển khai thực hiện nhưng Bộ trưởng cũng lưu ý: “Các tiêu chí này là chung cho cả nước, nên khi áp dụng vào từng thôn, xóm, từng xã cụ thể cần có lựa chọn và cân nhắc. Các địa phương phải rất linh hoạt, không thực hiện một cách máy móc”.
“Không nhất thiết phải phá bỏ những gì chúng ta đang có, ngược lại cần tận dụng những gì đang có. Địa phương phải lựa chọn để có bước đi phù hợp, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống của bà con nông dân, chứ không phải chỉ thực hiện các tiêu chí một cách máy móc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hỗ trợ nông dân nghèo phí bảo hiểm nông nghiệp
Bảo hiểm nông nghiệp là một chính sách nhận được nhiều quan tâm sâu sắc của người dân. Theo bà Nguyễn Thị Thu ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, Nhà nước đưa ra chính sách bảo hiểm nông nghiệp là để hạn chế rủi ro cho nông dân nhưng trải qua một thời gian thực hiện, người dân thấy có một số điểm bất hợp lý. Đó là: Phí bảo hiểm chiếm đến 4% giá trị mùa vụ. Bên cạnh đó, để được mua bảo hiểm thì phải đạt được quy trình sản xuất khá tốt thì chỉ những hộ gia đình khá, hộ giàu mới làm được. “Phải chăng hiện nay bảo hiểm nông nghiệp vẫn đang chỉ chọn mặt gửi vàng, chỉ tập trung vào nhóm đối tượng nông dân có điều kiện?”, bà Thu băn khoăn.
Giải đáp những thắc mắc của người dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định hiện nay, Chính phủ đang triển khai chương trình thí điểm. Ở từng địa phương khác nhau, chỉ thực hiện bảo hiểm đối với một số loại đối tượng và một số loại rủi ro cụ thể, chưa thực hiện với tất cả các loại cây trồng vật nuôi cũng như với tất cả các loại rủi ro. Chính phủ đã phân công cho Bộ Tài chính chủ trì, chỉ đạo việc triển khai thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp. Bảo Việt hoặc Bảo Minh, tùy theo địa phương, là hai doanh nghiệp được Bộ Tài chính lựa chọn thực hiện chính sách này.
Trong chính sách về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Chính phủ có chủ trương hỗ trợ bà con nông dân nghèo về phí bảo hiểm. Về những loại rủi ro và chính sách đối với rủi ro cụ thể, người dân phải liên hệ trực tiếp với cơ quan bảo hiểm để được hướng dẫn cụ thể.
Giảm tổn thất sau thu hoạch
Một thực tế nóng ở đồng bằng sông Cửu Long được đề cập là hiện nay người nông dân đang bị thiệt hại sau thu hoạch lúa lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Nguyên nhân là do các địa phương còn rất thiếu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất sau thu hoạch.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chia sẻ với khó khăn này của người dân: “Đúng là tổn thất sau thu hoạch của nông nghiệp nước ta, trong đó có lúa và rau màu, vẫn đang ở mức cao. Theo nghiên cứu, 12% sản lượng lúa bị tổn thất qua nhiều khâu. Do đó, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách để hỗ trợ bà con giảm tốn thất sau thu hoạch”.
Từ 2004 - 2008 đã có hơn 30 tỉnh, thành hỗ trợ tín dụng cho bà con nông dân để mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp với mức hỗ trợ từ 70 - 80% giá trị máy, hỗ trợ lãi suất từ 50 - 100%. Năm 2009 - 2010, trong gói kích cầu, Nhà nước cũng dành hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nông dân.
“Từ năm 2010 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 63 về chính sách giảm tốn thất sau thu hoạch, hỗ trợ nông dân mua các máy móc, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho tàng để tạm trữ lúa”, Bộ trưởng cho hay.