Thách thức từ cung cấp điện trong nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 2

Thời gian qua, ngoài việc sử dụng điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, các hộ dân đã kết hợp sử dụng điện để phục vụ sản xuất, tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, giai đoạn năm 2010 - 2013 khi phong trào nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp bắt đầu phát triển rất mạnh ở một số tỉnh ven biển khu vực phía Nam.

Còn cần gần 1.500 tỷ đồng

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tại huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết, tại một số tỉnh trong khu vực, UBND tỉnh đã lập quy hoạch để phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc tổ chức nuôi trồng thủy sản của các hộ dân là hình thức nhỏ lẻ tự phát, sử dụng từ nguồn điện phục vụ ánh sáng sinh hoạt, do đó đã dẫn đến tình trạng lưới điện bị quá tải. Người dân tự kéo dây từ nơi cấp điện sinh hoạt đưa đến các ao tôm để sản xuất, không đảm bảo kỹ thuật và an toàn điện... nên chất lượng điện không đảm bảo và gây ra các tai nạn điện đáng tiếc.

Để đảm bảo cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển khu vực phía Nam, qua các đợt làm việc và phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, EVN SPC đã cân đối và thu xếp nguồn vốn 876 tỷ đồng để ưu tiên đầu tư tại một số tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn với mục tiêu là chống quá tải, kết hợp cung cấp điện cho một số khu vực đã có quy hoạch nuôi tôm.

Theo đó, Dự án Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện thuộc dự án DPL3 vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện trong năm 2015 với tổng vốn đầu tư 597 tỷ đồng, triển khai tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Trà Vinh. Dự án đã hoàn tất đưa vào sử dụng trong quý 1/2016 với 599,2 km đường dây trung thế, 1.304,2 km đường dây hạ thế và 99.926 KVA tổng dung lượng trạm biến áp.

Các công trình thực hiện bằng nguồn vốn tự có và vốn ứng của tỉnh với tổng giá trị đầu tư 279 tỷ đồng, bao gồm khối lượng đầu tư 348,5 km đường dây trung thế, 383,85 km đường dây hạ thế và 54.240 KVA dung lượng trạm biến áp.

Phó Tổng Giám đốc EVN SPC, ông Nguyễn Phước Đức cho hay, với việc thực hiện đầu tư trên, nhu cầu cấp điện phục vụ nuôi trông thủy sản trên địa bàn các tỉnh khu vực này tạm thời được đáp ứng. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng kịp thời cho các hộ nuôi nhỏ lẻ không tập trung, phát triển tự phát theo thị trường nguyên liệu tôm. Các hộ này sử dụng điện từ nguồn điện phục vụ ánh sáng sinh hoạt để nuôi tôm đã dẫn đến quá tải lưới điện trên diện rộng.

Qua khảo sát của EVN SPC, nhu cầu đầu tư để cải tạo và phát triển lưới điện trung, hạ thế phục vụ nuôi trồng thủy sản tại 6 tỉnh ven biển trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang đến năm 2020 còn cần khoảng 1.494,8 tỷ đồng.

Cụ thể, khối lượng đầu tư sẽ gồm xây dựng mới và cải tạo 1.645,1 km đường dây trung thế; 3.084,9 km đường dây hạ thế; nâng cấp 2.708 trạm biến áp với dung lượng 91,9 MVA và xây dựng mới 2.011 trạm biến áp với dung lượng 91,4 MVA.

Trước mắt trong năm 2017, EVN SPC đã bố trí 303 tỷ đồng để đầu tư cấp điện phục vụ nuôi tôm với tiêu chí ưu tiên các khu vực cấp bách có diện tích ao nuôi phát triển mạnh.

Những vấn đề cần đặt ra

Ao nuôi thủy sản ở xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã ngừng thả nuôi. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Theo ông Nguyễn Phước Đức, trước đây, khi ngành Điện chưa có sự đầu tư lưới điện đồng bộ đến các khu vực nuôi tôm thì dầu Diesel vẫn là nguồn nhiên liệu chính để hoạt động hệ thống động cơ điện máy quạt. Do đó, chi phí mua dầu chạy máy phát để cấp điện cho các motor là rất đáng kể. Theo tính toán, trung bình một ngày sẽ tiêu tốn khoảng 300.000 đồng/2 motor/4.000 m2 trong khi một hộ dân có ít nhất là 2 ao tôm (khoảng 8.000 - 10.000 m2) và thời gian chạy máy phát khoảng 8 giờ.

Gần đây, khi việc cung cấp điện đã liên tục và ổn định với chất lượng điện tốt thì vấn đề đặt ra cho các hộ dân nuôi tôm lại là chi phí sử dụng điện. Theo khảo sát của các Công ty điện lực, tại phần lớn hộ nuôi tôm quy mô công nghiệp, các hộ dân chủ yếu sử dụng động cơ điện hiệu suất thấp như loại 2 HP (1,5 kW), 3 HP (2,25 kW) và vẫn còn nhiều hộ sử dụng loại 5 HP (3,75 kW), rất hao tốn điện năng và hiệu suất kém do dùng loại motor không rõ nguồn gốc, quấn lại dây…

Chiếm tỷ lệ cao nhất là loại động cơ 2 HP và 3 HP, tập trung nhiều tại tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Bến Tre cũng nằm trong số những tỉnh chiếm tỷ lệ cao về số lượng động cơ loại 3 HP.

Đối với động cơ loại 5 HP trở lên vẫn còn được sử dụng nhiều tại tỉnh Kiên Giang (khoảng 818 cái), chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn và những nơi ít có điều kiện tiếp xúc với nền công nghệ mới trong lĩnh vực nuôi tôm.

Trung bình một năm, các hộ dân chỉ thả hai vụ tôm, mỗi vụ từ 3 - 4 tháng. Theo quy trình nuôi tôm, nếu tính thời gian sử dụng động cơ là 20 giờ/ngày đêm và giá bán điện bình quân là 1.610 đồng/kWh, tiền điện cần phải trả trong 1 tháng (30 ngày) của 1 loại động cơ và tổng chi phí trên số động cơ hiện có theo khảo sát tại 6 tỉnh có sản lượng tôm cao vùng ĐBSCL như sau.

Cụ thể, với động cơ 1 HP thì tổng chi phí trên số động cơ hiện có là gần 1,6 tỷ đồng; với động cơ 1,5 HP là hơn 8,9 tỷ đồng; 2 HP là 27,8 tỷ đồng; 3 HP là hơn 64,4 tỷ đồng, 4 HP là hơn 5 tỷ đồng và 5 HP là hơn 3,6 tỷ đồng.

Việc sử dụng động cơ hiệu suất thấp tại các tỉnh còn chiếm số lượng lớn, khoảng 2/3 tổng số động cơ điện. Khi đó, phần tiền điện phải chi trả cho điện năng tiêu thụ của các loại động cơ này khoảng 111,371 tỷ đồng/tháng, tương đương hơn 1.336,4 tỷ đồng/năm. Từ đó, góp phần gây tiêu hao năng lượng của động cơ. Đây chính là nguyên nhân nhưng cũng được xem là tiềm năng để tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm.

Phân tích của EVN SPC cho thấy, do trục truyền động của động cơ không đồng trục với trục quay của quạt nước nên khi sử dụng các loại động cơ không rõ nguồn gốc hoặc động cơ quấn lại gây tiêu hao năng lượng điện và làm tổn thất điện năng trên lưới điện.

Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước nói chung và ngành Điện nói riêng là phải có giải pháp quản lý, tuyên truyền, hỗ trợ các hộ nuôi tôm như thế nào, áp dụng biện pháp kỹ thuật công nghệ gì.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp tuyên truyền tiết kiệm điện với các ban ngành, đoàn thể, hiệp hội tại địa phương ra sao để người dân áp dụng triệt để tiết kiệm điện. Đây cũng là biện pháp giảm chi phí sản xuất đem lại lợi ích cho bản thân người nuôi tôm và mang lại lợi ích tiết kiệm cho cả cộng đồng.
 
Bài 3: Áp dụng các giải pháp

Mai Phương (TTXVN)
Tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long: Mối lo về an toàn điện - Bài 1
Tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long: Mối lo về an toàn điện - Bài 1

Diện tích nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phát triển rất nhanh và chiếm đến trên 75% diện tích nuôi tôm của cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN