Kiểm tra chất lượng tôm giống tại Công ty Cổ phần Việt Úc Bình Định. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Vì thế, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang được tỉnh Bình Định ưu tiên phát triển để nâng cao năng suất, chất lượng tốt, tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản của tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tỉnh Bình Định tập trung phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao; phổ biến cho doanh nghiệp biết về diện tích quy hoạch, nuôi tôm thương phẩm theo tiêu chí ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, ưu tiên các dự án xin đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao vào các khu vực quy hoạch của tỉnh.
Đến nay, tỉnh Bình Định đã phát triển nhiều dự án nuôi tôm công nghệ cao, như Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc – Bình Định; Công ty TNHH Thành Ly; Công ty TNHH Thành Hiệp; Công ty NNHH Thạnh Vân; Công ty TNHH Nuôi trông và Chế biển thủy sản Xanh; Công ty TNHH Nam Việt – Bình Định…
Với khát vọng “Nâng tầm tôm Việt”, Công ty cổ phần Việt Úc - Bình Định đã đầu tư khoảng 800 tỷ đồng xây dựng nhà kính nuôi tôm công nghệ cao với hơn 300 ha tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất con giống.
Ông Chế Thanh Hưng, Giám đốc, Công ty cổ phần Việt Úc – Bình Định cho biết, giai đoạn 1 công ty ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất con tôm giống đã mang lại hiệu quả cao. Mỗi năm cung ứng khoảng 3 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng cho người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh.
“Công ty chọn lọc những con tôm giống bố mẹ tốt nhất và đầu tư những thiết bị, công nghệ hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm cho tôm như tảo và các thức ăn tổng hợp khác. Đặc biệt, công ty đã đầu tư công nghệ làm men vi sinh thay thế hoàn toàn chất kháng sinh để sản xuất con giống, nên tôm nguyên liệu sau thu hoạch sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không ngại các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu”.
Theo ông Hưng, nhiều công nghệ cao được áp dụng cho dự án nuôi tôm ở Bình Định, như công nghệ nhà màng Israel, công nghệ lọc nước tuần hoàn của Mỹ và Hà Lan, sử dụng chế phẩm sinh học, ao nuôi có mái che phủ. Nhờ đó, giảm thiểu được rủi ro, cho nguồn nguyên liệu sạch, truy xuất nguồn gốc từ nguồn tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn... Hiện dự án đã hoàn thành xong các hạng mục nhà kho, nhà ăn, đường nội bộ; dự kiến công ty sẽ thả nuôi vào đầu quý 2/2017.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết: “Bình Định đang có lợi thế là nhiều công ty đang triển khai đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Tập đoàn Việt Úc đã chọn Bình Định là tỉnh ở khu vực miền Trung để đầu tư, phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đây là đòn bẩy để ngành nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Bình Định phát triển; đồng thời, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp Bình Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Bình Định hiện có 4.300 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; trong đó, có 2.300 ha nuôi nước lợ, chủ yếu là nuôi tôm. Hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 9.600 tấn thủy sản; trong đó, có khoảng hơn 6.600 tấn tôm.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản của tỉnh Bình Định đến năm 2020, vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là 680 ha; trong đó, 460 ha ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), 220 ha ở xã Cát Thành và Cát Hải (huyện Phù Cát), với sản lượng tôm đạt khoảng 11.000 tấn.
Bình Định ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu thủy sản công nghệ cao ở xã Mỹ Thành, Cát Hải và Cát Thành; sản xuất tôm đạt năng suất, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao tại các thị trường trong khu vực và thế giới.