Tăng đầu tư để giảm tai biến tiêm chủng

Việt Nam đang sử dụng một số loại vắcxin thuộc thế hệ cũ, mà các nước tiên tiến trên thế giới không sử dụng hoặc Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên dùng.


Nhiều loại vắcxin "lỗi thời"


Cuộc hội thảo "Sử dụng vắcxin chất lượng, an toàn và hiệu quả”, do Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật TP Hà Nội, Sở Y tế, Hội Y học TP Hà Nội phối hợp tổ chức, ngày 24/7, tại Hà Nội đã đề cập tới vấn đề này.


Cần đầu tư gấp 2 - 3 lần so với hiện nay nhằm tăng số lượng và chất lượng vắcxin tiêm cho trẻ. Ảnh: Dương ngọc - TTXVN

 

Ngoài ra, việc đầu tư nguồn lực cho công tác tiêm chủng còn quá thấp, chế độ đãi ngộ cho cán bộ tiêm chủng chưa tương xứng với áp lực công việc… cũng là những tồn tại trong hoạt động tiêm chủng hiện nay của Việt Nam.


Chia sẻ về vấn đề chất lượng các loại vắcxin hiện đang sử dụng cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về sức khỏe cộng đồng, đưa ra một thực tế đáng lo ngại: “Một số vắcxin đang sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR) vẫn thuộc thế hệ cũ như vắcxin ho gà, vắcxin viêm não Nhật Bản sản xuất từ não chuột. Đây là những loại vắcxin đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không sử dụng. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng”.


“Ngân sách nhà nước cấp cho mua vắcxin hiện chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, số còn lại là phải trông chờ vào viện trợ của quốc tế”.

PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển

PGS. TS Đỗ Sỹ Hiển lấy dẫn chứng, loại vắcxin Quinvaxem mà Hàn Quốc sản xuất, được cung cấp cho Việt Nam (hiện vẫn đang sử dụng trong TCMR), bản thân Hàn Quốc cũng không còn sử dụng mà chuyển sang loại vắcxin thế hệ mới, có tính an toàn cao hơn hẳn.


Cũng theo ông Hiển, tại các điểm tiêm vắcxin dịch vụ hiện nay, loại vắcxin được sử dụng thường là thuộc thế hệ mới, được sản xuất từ thành phần ho gà vô bào, nên tỷ lệ trẻ có phản ứng sau tiêm chủng như sốt, đau và các phản ứng nặng rất thấp.


Chính vì vậy, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, cần sớm nâng cao chất lượng vắcxin, đồng thời nâng cao năng lực cho hệ thống kiểm định chất lượng vắcxin sử dụng trong TCMR.


Cần chế độ đãi ngộ hợp lý


Theo PGS. TS Hiển, ngành y tế cần sớm có những chính sách đãi ngộ tốt hơn đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiêm chủng. Áp lực tinh thần mà cán bộ tiêm chủng phải chịu đựng rất lớn. Nhiều người đã chia sẻ rằng chỉ sau khi ngủ dậy, thậm chí 1- 2 ngày hôm sau, khi không thấy phản hồi nào về việc trẻ bị phản ứng sau khi tổ chức ngày tiêm chủng thì họ mới có thể yên tâm, thở phào nhẹ nhõm.


Đặc biệt, khi có 3 trẻ tử vong sau tiêm vắcxin viêm gan B tại Quảng Trị thì nhiều cán bộ tiêm chủng tuyến cơ sở phản ánh, họ rất ngại, thậm chí rất muốn chuyển nghề vì các bậc cha mẹ đưa con nhỏ đi tiêm chủng đang nhìn họ bằng đôi mắt thiếu thân thiện, soi mói, xét nét và nghi ngờ.


Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Thế Hùng, phụ trách khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho hay: “Chế độ đãi ngộ thấp, thu nhập kém, áp lực công việc lớn nên ngày càng có nhiều người muốn xin chuyển công tác khác. Đơn cử, một mũi tiêm chủng chỉ được ngân sách hỗ trợ từ 500 - 1.000 đồng, mà mỗi điểm tiêm có khoảng 5 - 7 cán bộ, nên số tiền thực tế mỗi người được nhận càng ít ỏi hơn. Trong khi đó, họ luôn phải đối diện với những áp lực về mặt tinh thần, nhất là khi xảy ra các ca tai biến nặng”.


Còn theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, để đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng, cần tăng cường tập huấn, kiểm tra, giám sát hoạt động TCMR. Đặc biệt, cần tăng cường hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản, vận chuyển vắcxin…


“Đặc biệt, Hội đồng tư vấn an toàn tiêm chủng thuộc Bộ Y tế nên được tổ chức lại, không nên chỉ bao gồm các đại diện lãnh đạo của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế giống như một ủy ban chỉ đạo mang tính hành chính như hiện nay. Chỉ khi có sự tham gia của nhiều chuyên gia ở nhiều tổ chức khác nhau trong Hội đồng chuyên môn thì việc tư vấn chuyên môn cho Bộ Y tế mới đảm bảo đầy đủ và khách quan”, PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển nhấn mạnh.

 

Kết quả kiểm tra, đánh giá gần 100 điểm TCMR tại TP Hà Nội vào những tháng đầu năm 2013, cho thấy: Có tới 37,1% điểm tiêm cán bộ kỹ thuật thực hiện mũi tiêm chưa đạt chuẩn, 27,8% bố trí điểm tiêm chưa hợp lý, 26,8% số điểm tiêm có sai sót về dây chuyền lạnh như thiếu phích đựng vắcxin, thiếu bình tích lạnh, thiếu nhiệt kế, tủ lạnh hỏng chưa sửa chữa kịp thời… Cá biệt, cán bộ y tế tại một số điểm tiêm khám phân loại chưa đầy đủ, chỉ định tiêm sai, chưa theo dõi trẻ đúng 30 phút sau tiêm.



Phương Liên

3 trẻ sơ sinh tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng
3 trẻ sơ sinh tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng

Giám đốc Sở y tế tỉnh Quảng Trị Trần Văn Thành cho biết 3 trẻ sơ sinh tử vong do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân. Đoàn công tác đề nghị gửi mẫu vaccine, mẫu nghiệm đến phòng thí nghiệm quốc gia, quốc tế để kiểm định chất lượng vaccine và các chất lạ có trong mẫu nghiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN