Ngày 5/3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia; đồng thời thiết lập hai Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay hai Trung tâm cúm quốc gia này đều có khả năng xét nghiệm các chủng virus cúm. Đây là hành động thiết thực của ngành y tế Việt Nam trước những cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sự thay đổi nguy hiểm của các chủng virus cúm, chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng virus cúm ở nước ta.
Kết quả giám sát trên người từ các điểm giám sát cúm quốc gia cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2015 chủng virus cúm A(H3) là chủng lưu hành chủ yếu chiếm 77,8%, tiếp đó là chủng virus cúm A(H1N1) và cúm B cùng chiếm 11,1%. Trong khi đó trong năm 2014, tỷ lệ cúm B lưu hành chủ yếu với tỷ lệ chiếm 59%, tiếp đó là cúm A(H3) với tỷ lệ 28%, cúm A(H1N1) với tỷ lệ 13%. Đây là sự thay đổi mang tính thường xuyên trong số các chủng virus cúm mùa. Hiện chưa phát hiện thấy chủng virus cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người tại Việt Nam.
Thêm vào đó, để chủ động giám sát các chủng virus cúm A(H7N9) có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế giám sát lấy mẫu bệnh phẩm trên gia cầm và ở người tại một số tỉnh có nguy cơ cao, nơi tập trung buôn bán gia cầm. Kết quả chưa phát hiện chủng virus cúm A(H7N9) cả trên gia cầm và ở người.
Phun thuốc khử trùng tiêu độc tại khu dân cư. Ảnh: Thu Hoài-TTXVN |
Trước tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh cúm tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, Bộ Y tế đã ban hành và triển khai Kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2015; đồng thời sẵn sàng triển khai các hoạt động đáp ứng theo các tình huống dịch bệnh. Văn phòng đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế (Văn phòng EOC) đã được yêu cầu tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trong nước, quốc tế, kịp thời tiếp nhận, chia sẻ thông tin với các Tổ chức quốc tế cũng như các đơn vị liên quan trong nước để nhanh chóng cảnh báo về những nguy cơ dịch bệnh và tổ chức các hoạt động đáp ứng một cách nhanh nhất. Bộ Y tế sẽ thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh trên website của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng.
Tại Việt Nam, virus cúm A(H5N1) bắt đầu ghi nhận vào tháng 12/2003 trên các đàn gia cầm và ở người đã tạo nên các đợt dịch ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2015, nước ta chưa ghi nhận trường hợp cúm A(H5N1) nào ở người tuy nhiên trong tháng 2/2015 đã ghi nhận ổ dịch cúm A(H5N1) ở đàn gia cầm tại Ấp 1, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Trong năm 2014, Việt Nam cũng đã ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong cúm A(H5N1) tại Bình Phước, Đồng Tháp nâng tổng số người mắc cúm A(H5N1) tại Việt Nam từ năm 2003 đến nay lên 127 trường hợp mắc, trong đó có 64 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế khuyến cáo: Để chủ động phòng chống các chủng virus cúm đặc biệt là các chủng virus cúm lây truyền từ gia cầm sang người, người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Người dân không sử dụng gia cầm, sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm, thực hiện ăn chín, uống chín. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Đặc biệt, khi có các biểu hiện cúm (sốt, ho, đau ngực, khó thở), người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Thu Phương (TTXVN)