Nguyên nhân chính gây sập nhà là do khai thác đất sét
Thời điểm đầu tháng 12/2021, tại khu vực moong khai thác sét của Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh (khu vực từ cọc 21 đến cọc 27, bản đồ giao đất) đã có dấu hiệu sạt lở, ảnh hưởng đến các hộ dân liền kề tại đây. Sạt lở tiếp tục tăng dần vào đợt mưa bão tháng 8/2022. Kết quả rà soát mới nhất của thành phố Hạ Long cho thấy, diện tích bị ảnh hưởng là 3 ha với 37 hộ dân và Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt bị ảnh hưởng.
Cụ thể vào tháng 8/2022, 16 hộ dân trên phải di dời khẩn cấp do một số ngôi nhà quanh khu vực khai thác sét của Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh bị nứt, tách tường, một căn nhà đã bị sập hoàn toàn.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, UBND phường Giếng Đáy đã di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, UBND thành phố Hạ Long đã yêu cầu Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh hỗ trợ tiền di chuyển, tiền thuê nhà trong vòng 6 tháng cho các hộ dân trong khi chờ đơn vị tư vấn độc lập, có chức năng kiểm định đánh giá mức độ, nguyên nhân gây sạt lở đất và nứt công trình của một số hộ dân xung quanh khu vực moong khai thác sét. Để đảm bảo tính chính xác, khách quan, UBND thành phố Hạ Long yêu cầu thuê 2 đơn vị tư vấn đánh giá độc lập. Song đã hơn sáu tháng trôi qua, các hộ dân khu vực này vẫn chưa biết sẽ được bố trí, bồi thường như thế nào để ổn định lại cuộc sống.
Theo báo cáo số 74/BC-UBND ngày 13/2/2023 của UBND thành phố Hạ Long về việc khắc phục sự cố sạt lở tại khu vực tổ 6 khu 3B, phường Giếng Đáy, nguyên nhân chính dẫn đến sự cố sụt lở mái đắp tại khu vực tổ 6 khu 3B, phường Giếng Đáy, gồm cả khách quan và chủ quan. Trong đó, khách quan là do diễn biến thời tiết xấu. Các nguyên nhân chủ quan gồm: Hoạt động khai thác đất sét của Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh tại khu vực moong khai thác sét tiếp giáp phía Tây khu vực sạt lở (đây được đánh giá là nguyên nhân chính); hoạt động thi công tuyến đường từ ngã ba Kênh Đồng đến điểm đầu cầu Cửa Lục (được đánh giá là nguyên nhân không đáng kể).
Đại diện 16 hộ dân chịu ảnh hưởng của sạt lở, hai anh Vũ Xuân Tuấn, Phạm Văn Nho và chị Nguyễn Thị Trà My cùng ở tổ 6 khu 3B, phường Giếng Đáy, cho biết hơn 6 tháng qua họ sống trong lo âu, thấp thỏm, chất lượng cuộc sống đi xuống, công việc và học tập của các thành viên trong gia đình đều bị ảnh hưởng nặng nề. Từ tháng 8/2022 đến nay, họ phải di dời, đi ở trọ, cuộc sống tạm bợ. Người dân đã nhận được thông báo về nguyên nhân chính gây sạt lở là do Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh khai thác đất sét. Đến nay, thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà đợt 1 đã kết thúc. Các hộ dân đề nghị Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh nhanh chóng chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho người dân để họ có kinh phí thuê nhà đợt 2; đề nghị chính quyền thành phố Hạ Long khẩn trương có chỉ đạo về tái định cư, bồi thường để người xây dựng lại nhà, ổn định cuộc sống vì mùa mưa lũ đang đến gần.
Thêm 21 hộ dân, 1 trường học nằm trong vùng nguy cơ
Báo cáo số 74/BC-UBND ngày 13/2/2023 do ông Nguyễn Hữu Nhã, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long ký về việc khắc phục sự cố sạt lở tại khu vực tổ 6 khu 3B, phường Giếng Đáy đã chỉ rõ, báo cáo của đơn vị tư vấn và đơn vị thẩm tra khu vực tổ 6, quanh moong khai thác sét của Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh đã đưa ra khuyến cáo những công trình nằm trong phạm vi 3 vùng A, B, C. Trong đó, A là vùng đặc biệt nguy hiểm, có 16 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở. Tại hai vùng (B và C) nguy cơ bị ảnh hưởng theo hiệu ứng dây chuyền, có khoảng 21 hộ dân và một phần diện tích của Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt. Vùng B là vùng nguy hiểm khi vùng A bị sạt trượt, được đánh giá cần thiết phải xử lý lại nền móng. Vùng C tương đối an toàn, ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu hiện tượng sạt lở tại khu vực diễn biến theo hướng xấu, thì công trình trường học nằm trong phần diện tích này cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.
Như vậy đến ngày 6/3, theo khảo sát đánh giá của hai đơn vị tư vấn độc lập, dự kiến sẽ có khoảng 37 hộ dân có nhà, đất và một phần diện tích của trường học bị ảnh hưởng. Kinh phí dự toán để thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng ước trên 58 tỷ đồng.
Trước thực tế trên, UBND thành phố Hạ Long cũng đã yêu cầu các phòng, ban liên quan phối hợp xây dựng phương án di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở tại tổ 6 khu 3B, phường Giếng Đáy. Được biết, trong phương án sẽ có trách nhiệm của các đơn vị liên quan và các cơ chế, chính sách đền bù, bồi thường, tái định cư cho các hộ dân…
UBND thành phố đã yêu cầu việc giải phóng mặt bằng và di dời các hộ dân nằm trong vùng dự báo nguy cơ sạt lở xong trước tháng 4/2023. Các đơn vị chức năng tham mưu xây dựng giá đất, thông báo thu hồi đất, bố trí quỹ đất để phục vụ tái định cư cho các hộ thuộc diện phải di dời; nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khu công viên công cộng tại quỹ đất moong khai thác sét của Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh và khu vực bị ảnh hưởng sạt lở, đảm bảo khớp nối về không gian, kiến trúc trên cơ sở phù hợp với định hướng quy hoạch của thành phố. UBND phường Giếng Đáy tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, an sinh xã hội cho các hộ dân tại khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian chưa hoàn tất công tác di dời, tái định cư cho các hộ dân tại khu vực.
Tuy nhiên vấn đề bức thiết mà 16 hộ dân bị ảnh hưởng đang quan tâm là bao nhiêu lâu nữa phương án trên mới hoàn thành, được phê duyệt để thực hiện. Bởi họ đã phải chờ đợi hơn nửa năm qua, tham dự nhiều cuộc họp, nhận được nhiều văn bản, nhưng đến nay vẫn phải thuê trọ tạm bợ và tiếp tục chờ đợi trong lo âu, thấp thỏm.
Trước đó, tháng 9/2022, phóng viên TTXVN đã có bài viết phản ánh về sự việc 16 hộ dân tại tổ 6 khu 3B, phường Giếng Đáy, có nhà bị sập, nứt, tách tường do ảnh hưởng từ việc khai thác đất sét của Công ty cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh.