Ông Trần Tới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hiện nuôi khoảng 15.000 con trâu bò, hơn 65.000 con lợn, trên 450.000 con gia cầm và khoảng 370.000 con chim cút, mỗi ngày chỉ đáp ứng 20% sản lượng thịt cho thành phố, còn lại 80% phải nhập từ các tỉnh khác về tiêu thụ.
Theo thống kê, trung bình mỗi tháng, thành phố nhập gần 1.200 tấn gia súc, gia cầm đông lạnh về tiêu thụ nên Chi cục luôn đề cao việc kiểm soát các cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2019 khi nhu cầu sử dụng các loại thịt này sẽ tăng cao so với ngày thường.
Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố đã tăng cường cán bộ làm kiểm dịch, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển 24/24 giờ tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông Kim Liên và Hòa Phước; đồng thời phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Công an thành phố tăng cường kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung tại Đà Sơn, Hòa Vang, Cẩm Lệ và các chợ trên địa bàn thành phố. Cùng đó, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở, quầy kinh doanh động vật, sản phẩm gia súc, gia cầm vi phạm.
Bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, làm cho sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm nhưng nhu cầu vận chuyển thực phẩm trong đợt Tết Nguyên đán tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát triển và lây lan. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố khuyến cáo, người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp chăm sóc và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ngoài ra, người tiêu dùng phải sử dụng các sản phẩm gia súc, gia cầm có đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y; đảm bảo các biện pháp vệ sinh hợp lý khi giết mổ.
Ông Trần Tới cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng về việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại ở động vật nuôi trên địa bàn các quận của thành phố. Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang phối hợp với UBND các cấp để tiến hành tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi trong diện tiêm phòng; đồng thời phối hợp với cơ quan y tế, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch bệnh dại trên chó, mèo; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại cơ sở.
Năm 2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố đã xử phạt hành chính gần 130 trường hợp vi phạm, với số tiền xử phạt hơn 300 triệu đồng. Nguyên nhân vi phạm chủ yếu là do vận chuyển sản phẩm động vật tươi sống không bằng xe chuyên dùng; sử dụng thiết bị bảo quản sản phẩm động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; giết mổ động vật ở địa bàn không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, kinh doanh sản phẩm động vật không có dấu kiểm dịch giết mổ, tem vệ sinh thú y.