Nguồn cung sản phẩm gia súc gia cầm dồi dào

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được khống chế và việc nhập lậu giống, sản phẩm gia súc, gia cầm cũng từng bước được kiểm soát với giá sản phẩm dần ổn định tuy vẫn còn hơi thấp. Ngành chăn nuôi theo đà hồi phục. Sự hồi phục này liệu có xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung thực phẩm trong thời gian tới, Phóng viên "Kinh tế Việt Nam & Thế giới" (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.

PV: Xin ông đánh giá tình hình chăn nuôi của nước ta hiện nay ?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Tôi cho rằng dấu hiệu tích cực của ngành chăn nuôi đang thể hiện ở việc người nuôi tích cực tái đàn, sản xuất bắt đầu có lãi. Đáng chú ý là sản xuất chăn nuôi trên quy mô chuyên nghiệp tăng, kể cả những khi chăn nuôi giảm, thậm chí lỗ thì người chăn nuôi chuyên nghiệp vẫn duy trì quy mô đàn tối thiểu.

Bên cạnh đó, vấn đề tín dụng hỗ trợ chăn nuôi cũng có chiều hướng tích cực, người chăn nuôi đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng sau một loạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, giá sản phẩm chăn nuôi đã ổn định và tăng so với các tháng trước đó.

Ông Nguyễn Xuân Dương phát biểu tại một hội nghị. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN


Ngoài ra, các cơ quan quản lý đã phối hợp kiểm soát tốt tình trạng thực phẩm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu vào Việt Nam nên không còn tình trạng gà thải loại đặc biệt là gà trọc đầu ồ ạt tràn vào Việt Nam như thời gian trước, tuy vẫn còn tình trạng gà thải loại từ Trung Quốc len lỏi vào do nhiều yếu tố không thể quản lý tuyệt đối. Đáng chú ý, do giá sản phẩm gia súc, gia cầm tại Việt Nam đang ở mức thấp nên tình trạng nhập lậu cũng khó cạnh tranh.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, thị trường chăn nuôi từ nay đến cuối năm sẽ không có sự gia tăng ào ạt hay đột biến như mọi năm do dự báo sức mua không tăng đột ngột và sản xuất chăn nuôi lại đang tăng đà hồi phục.

PV: Trong điều kiện dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được khống chế, theo ông liệu có xảy ra tình trạng người chăn nuôi ồ ạt tái đàn, từ đó dẫn đến dư thừa nguồn cung?


Ông Nguyễn Xuân Dương: Theo tôi thì khó có thể xảy ra tình trạng người chăn nuôi tái đàn ồ ạt. Thực tế cho thấy trong những năm qua, người chăn nuôi chuyên nghiệp đã rút ra những bài học kinh nghiệm, còn những người chăn nuôi “cơ hội” chỉ khi giá cao thì nuôi còn giá thấp thì bỏ đã không tồn tại và trụ vững được do điều tiết liên tục của thị trường. Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cũng đã có những khuyến cáo về vấn đề quản lý Nhà nước, về vấn đề thị trường đối với người chăn nuôi, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là người chăn nuôi phải tự xác định. Đối với những hộ chăn nuôi chuyên nghiệp trải qua thực tế họ phải tự dự liệu về vấn đề thị trường để tồn tại trong sản xuất, kinh doanh. Tồn tại song song trong ngành chăn nuôi là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng nguồn cung những hộ này không đáng kể trong tổng nguồn cung cả nước.

Điển hình là năm 2011, nhiều người chăn nuôi “cơ hội”, nhỏ lẻ đã bỏ mấy năm nhưng trước thực tế khi giá lợn hơi lúc đó quá cao, lên tới trên 70.000 đồng/kg nên họ đã quay lại thị trường và “bập” vào nuôi. Nhưng cả năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 giá sản phẩm xuống nên những hộ này không tồn tại được. Thực tế, thị trường chăn nuôi cạnh tranh rất khốc liệt nên Cục Chăn nuôi đã khuyến cáo những hộ chăn nuôi kiểu nhỏ lẻ, theo thị trường hay chăn nuôi không chuyên nghiệp không nên tham gia chăn nuôi mà chỉ để các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, coi chăn nuôi như một nghề tham gia vào thị trường để giảm rủi ro.

PV: Ông đánh giá thế nào về mặt bằng giá sản phẩm gia súc, gia cầm hiện nay?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Theo báo cáo, tại thời điểm ngày 13/7, giá lợn hơi dao động ở mức 40.000 – 42.000 đồng/kg, giá gà công nghiệp lông trắng ở mức 28.000 – 30.000 đồng/kg, gà công nghiệp lông màu giá khoảng 55.000 đồng/kg, gà ta thả vườn giá 70.000 – 80.000 đồng/kg, còn giá trứng gia cầm công nghiệp bán tại trại từ 17.000 – 19.000 đồng/quả, trứng gà ta giá khoảng 2.100 – 2.300 đồng/quả… Mặc dù, giá sản phẩm gia súc, gia cầm đã tăng và ổn định so với trước nhưng ở mức giá này, ngành chăn nuôi mới chỉ bắt đầu có lãi và mức lãi không nhiều. Tôi kỳ vọng, giá chăn nuôi sẽ tăng 1 đến 2 giá để người chăn nuôi hay ngành chăn nuôi có lãi, từ đó sẽ bù đắp giai đoạn rớt giá hay dịch bệnh.

Tôi cho rằng, để người chăn nuôi có lãi cao thì cần thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất với tiêu dùng vì thực tế tồn tại sự chênh lệch giá quá lớn giữa người sản xuất đến người tiêu dùng như giá gà ta thả vườn chỉ khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg nhưng tới tay người tiêu dùng giá tăng lên 120.000 – 130.000 đồng/kg, sự chênh lệnh giá này do quá nhiều khâu trung gian. Đây đang là vấn đề bất cập nhưng không thể giải quyết “một sớm một chiều” mà đây là câu chuyện “dài” do ngành chăn nuôi còn phục vụ nhiều người, vì chính những khâu trung gian đã giải quyết việc làm cho lao động dư thừa trong xã hội. Để tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất với tiêu dùng cần sự vào cuộc tích cực, quyết tâm cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng để tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi, đưa người chăn nuôi vào chuỗi sản xuất khép kín, gắn họ từ sản xuất đến thu mua giết mổ, cung ứng ra thị trường…. Một khi các khâu trong chuỗi cùng “vận hành” sẽ giảm được trung gian, qua đó, nâng giá đầu vào và kéo thấp giá đầu ra tới người tiêu dùng.

PV: Để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết dương lịch, ông nhận định thế nào về giá cũng như nguồn cung trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Theo thống kê, hiện cả nước có quá nhiều hộ chăn nuôi, cụ thể có tới 4 triệu hộ chăn nuôi lợn và 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, năng lực sản xuất dồi dào nên không thể thiếu sản phẩm gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước vào thời gian tới.

Trong khi đó, sức sản xuất của ngành chăn nuôi cũng đang dồi dào, nhưng Cục Chăn nuôi vẫn theo dõi, chỉ đạo để ngành chăn nuôi khôi phục, tái đàn nhanh, đáp ứng sức mua cũng như nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân trong các tháng mùa thu, mùa đông thường tăng, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán, tránh tình trạng thiếu thịt vào những tháng tết.

Đặc biệt, khi các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp đã nhiều lên, trong điều kiện nào họ cũng duy trì quy mô đàn tối thiểu, với phương thức chăn nuôi càng ngày càng chuyên nghiệp nên chắc chắn không xảy ra tình trạng khủng hoảng như trước. Cục Chăn nuôi cũng kỳ vọng đừng dư thừa sản phẩm “quá mức” để người chăn nuôi có lãi.

PV: Xin cảm ơn ông.


Hoàng Linh
Giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu ổn định

Sở Công Thương Hà Nội dự báo, trong thời gian tới, giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Thủ đô có xu hướng ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN