Dư âm của hai vụ ngộ độc thực phẩm chưa kịp lắng xuống thì ngày 15/11, gần 200 trẻ trường Mầm non Xuân Nộn (Đông Anh) lại phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm sau khi ăn liên hoan tại bếp ăn của nhà trường. Những vụ ngộ độc thức ăn tập thể liên tiếp xảy ra đã gióng hồi chuông báo động chất lượng an toàn thực phẩm trong trường học ở Hà Nội không đảm bảo.
Xác định "thủ phạm"
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố đã xác định nguyên nhân dẫn đến hai vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn của Trường Đào tạo nhân lực ở Vân Canh xảy ra trong tháng 7 năm nay là do thực phẩm nhiễm vi sinh vật. Kiểm tra tại khu vực bếp của các đơn vị cung cấp các suất ăn này cho thấy còn nhiều tồn tại, chưa đảm bảo các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đối với vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Mầm non Xuân Nộn, ngày 20/11, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo về kết quả điều tra, xử lý cho thấy "thủ phạm" là một mẫu bánh ngọt dương tính với vi khuẩn Salmonella (của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Nguyên Cát, địa chỉ tại phố Và, phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh).
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện Đông Anh, phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh tiến hành thanh tra cơ sở sản xuất bánh ngọt Nguyên Cát. Đồng thời, đã tiến hành lập biên bản yêu cầu đình chỉ hoạt động có thời hạn; đề nghị thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm, thực phẩm gây ô nhiễm và tiến hành xử phạt theo quy định.
Hiện, các bệnh nhi đã tỉnh táo, không có diễn biến xấu, tiếp tục được phân loại, theo dõi sát, điều trị theo phác đồ sau khi đã có hội chẩn với Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới Trung ương, các chuyên khoa đầu ngành và các chuyên gia.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề nghị UBND huyện Đông Anh chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát và làm rõ trách nhiệm của nhà trường trong việc để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc tại Trường Mần non Xuân Nộn; đồng thời, tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở cung cấp thực phẩm cho các trường trên địa bàn quản lý.
Tăng cường quản lý thực phẩm trong trường học
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố có hơn 2.600 trường học, trong đó có khoảng 1.600 trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú với các hình thức: nhà trường tự mua thực phẩm và nấu; đặt cơm của các công ty nấu suất ăn; hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm để tự nấu; hợp đồng với công ty vừa cung cấp thực phẩm, vừa sơ chế bữa ăn, nhà trường chỉ giám sát.
Qua các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học năm 2017 – 2018 do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức cho thấy, hầu hết các trường đã tuân thủ quy định nhưng bên cạnh đó vẫn còn trường phải đi nấu nhờ trường khác sau đó vận chuyển về nên khó khăn trong kiểm soát. Một số nhân viên tham gia chế biến thực phẩm chưa tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, có người không đeo găng tay khi chia suất ăn, bảo quản thực phẩm không đúng quy định, không lưu mẫu thức ăn… Thậm chí, nhiều trường mới chỉ kiểm tra được hợp đồng, giấy phép kinh doanh của công ty cung ứng và kiểm tra thực phẩm... bằng cảm quan. Ngay cả việc ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn cũng chưa đủ bởi mức độ tin cậy của giấy chứng nhận ra sao vẫn là vấn đề còn tranh cãi…
Ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong trường học chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hàng năm nhưng đối tượng bị ngộ độc lại là học sinh nhỏ tuổi, sức đề kháng kém nên hậu quả nghiêm trọng hơn.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Hoàng Thị Minh Thu cho rằng, đầu tiên cần nâng cao nhận thức, kiến thức an toàn thực phẩm cho giáo viên, người chế biến thực phẩm trong trường. Mặt khác, các trường cần thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, phân công cán bộ, nhân viên hằng ngày theo dõi việc tiếp nhận thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm và kiểm thực 3 bước: trước khi chế biến thức ăn, trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn. Bên cạnh đó, ban giám hiệu các nhà trường cần tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc chọn mua và nhập thực phẩm, quá trình sơ chế, chế biến và ăn uống tại bếp ăn bán trú nhà trường.
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, một trong những lý do khiến những vụ ngộ độc thực phẩm vẫn “nhức nhối” trong xã hội là việc xử phạt các vi phạm an toàn thực phẩm vẫn chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều người vì lợi nhuận mà không nghĩ đến lương tâm, trách nhiệm trong việc sản xuất, bán hàng.
Ông Phạm Xuân Tiến cho rằng, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường cần phải có sự chung tay và trách nhiệm từ nhà trường và gia đình. Việc giao nhận bữa ăn hay giao nhận thực phẩm cần có sự giám sát của đại diện cán bộ nhà trường, cán bộ y tế và cha mẹ học sinh.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa áp dụng với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức. Đây là cơ sở pháp lý để Hà Nội mạnh tay xử lý những vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, việc lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn cũng cần được nhà trường công khai, minh bạch, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.