Với vai trò là cơ quan đầu mối kết nối, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi để kiều bào có thể về nước làm việc, hợp tác lâu dài. Vì vậy, Phóng viên Báo Tin tức và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban để hiểu rõ hơn về định hướng và những trăn trở trong công tác thu hút trí thức kiều bào.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh.
Thưa bà, kiều hối là một trong những dòng lực quan trọng đối với nền kinh tế TP Hồ Chí Minh. Bà đánh giá thế nào về vai trò của dòng kiều hối trong năm qua?
Năm 2024, TP Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối, với khoảng 9,6 tỷ USD, tăng thêm khoảng 140 triệu USD so với năm trước. Trong 11 năm qua (2012 – 2023), tổng lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh qua hệ thống ngân hàng, công ty kiều hối đã đạt hơn 65 tỷ USD, với mức tăng trung bình 3 - 7% mỗi năm. Không chỉ về mặt lượng, điều đáng quý là dòng tiền chuyển đơn phương, thể hiện tình cảm, niềm tin và trách nhiệm của kiều bào đối với quê hương. Thành phố luôn trân trọng và xem đây là nguồn lực quý giá, không chỉ để đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế mà còn phục vụ cho các chương trình an sinh xã hội, khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới công nghệ. Kiều hối còn là kênh kết nối giữa Việt Nam và thế giới, thể hiện vai trò tiên phong của TP Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế.
Không chỉ kiều hối, đội ngũ trí thức kiều bào cũng đang ngày càng có nhiều đóng góp cụ thể. TP Hồ Chí Minh đã thu hút lực lượng này như thế nào, thưa bà?
Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã thu hút được khoảng 500 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, về hợp tác làm việc dài hạn tại thành phố. Đây là kết quả của quá trình Thành phố chủ động ban hành nhiều chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, tổ chức khen thưởng kịp thời để động viên lực lượng trí thức kiều bào đóng góp cho thành phố.
Các chuyên gia kiều bào đã tham gia vào nhiều lĩnh vực quan trọng, từ chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo, tư vấn chiến lược phát triển, cho đến tham gia nghiên cứu khoa học tại các trường đại học lớn. Riêng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đã có hơn 200 trí thức kiều bào ký kết hợp tác trong nhiều chương trình đào tạo và nghiên cứu. Họ là lực lượng then chốt giúp TP Hồ Chí Minh trong việc từng bước “đi tắt đón đầu” các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, những lĩnh vực mà thành phố đang đặt nhiều kỳ vọng trong thời kỳ phát triển xanh và bền vững.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cùng các Việt kiều thăm gia đình cựu tù chính trị ở Phú Quốc.
Hiện nay, bên cạnh những kết quả tích cực, chúng tôi cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giữ chân và tạo động lực lâu dài cho đội ngũ trí thức kiều bào. Một trong những rào cản lớn nhất là việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện và kỳ vọng của lực lượng trí thức, chuyên gia từ nước ngoài. Chẳng hạn, các chính sách về thuế, nhà ở, môi trường làm việc, quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn những bất cập, chưa thật sự hấp dẫn. Ngoài ra, thiếu thông tin rõ ràng về nhu cầu tuyển dụng, những lĩnh vực ưu tiên phát triển của thành phố cũng khiến nhiều trí thức kiều bào chưa tìm thấy hướng đi phù hợp khi muốn về nước cống hiến. Tuy vậy, TP Hồ Chí Minh nhận thức rõ những rào cản này và đang từng bước tháo gỡ, với mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi, nơi mà trí thức kiều bào không chỉ cảm thấy được chào đón mà còn có thể phát huy tối đa năng lực chuyên môn, tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình.
Trong thời gian tới, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh sẽ có những giải pháp cụ thể gì để hỗ trợ quá trình này?
Trong thời gian qua, Ủy ban đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh nhiều chính sách liên quan đến hoàn thiện môi trường hoạt động cho trí thức kiều bào, từ đó thúc đẩy các chương trình hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị gặp gỡ, tạo cơ hội để trí thức và doanh nhân kiều bào kết nối, tìm hiểu nhu cầu hợp tác, tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, Ủy ban cũng làm cầu nối giữa kiều bào và các cơ sở trong nước, không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn mở rộng sang các địa phương khác.
Kiều bào muốn đóng góp xây dựng phát triển nhiều tuyến metro tại TP Hồ Chí Minh.
Một hoạt động quan trọng là đưa công tác vận động kiều bào vào chương trình làm việc của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh khi đi công tác nước ngoài, từ đó góp phần quy tụ trí thức Việt trên toàn cầu và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc thu hút mà còn xây dựng môi trường gắn bó lâu dài cho trí thức kiều bào, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và kinh tế xanh.
Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp, mở rộng các diễn đàn lắng nghe ý kiến chuyên gia, đồng thời thúc đẩy các chương trình nghiên cứu hợp tác quốc tế. Chúng tôi tin rằng, trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển, đội ngũ trí thức kiều bào sẽ tiếp tục là nguồn lực chiến lược, đóng góp không chỉ tri thức mà còn là cầu nối về tư duy, mô hình và giá trị toàn cầu, góp phần đưa TP Hồ Chí Minh tiến xa hơn trên con đường phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.
Trân trọng cảm ơn bà!