Ra đi để trở về xây dựng quê hương - Bài 2: Người "mở cửa bầu trời" cho Việt Nam vươn ra thế giới

Suốt bốn thập kỷ qua, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) không chỉ được biết đến là “ông vua hàng hiệu”, người đưa những thương hiệu xa xỉ đầu tiên về Việt Nam, mà còn là biểu tượng sống động của tinh thần Việt kiều trở về góp sức dựng xây đất nước. Ít ai biết rằng, đằng sau thành công hôm nay là một hành trình dài đầy nước mắt, mất mát và lòng kiên định với hai chữ “quê hương”.

Chú thích ảnh
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ với phóng viên về những kỉ vật khi nhận nhiệm vụ mở đường bay về Việt Nam.

Trở về từ mệnh lệnh trái tim

Năm 1985, trong một căn phòng nhỏ tại Mỹ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, khi đó là thanh tra tài chính của hãng hàng không Boeing, nhận được cuộc gọi từ Văn phòng đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Đó là một lời mời khá giản dị từ Việt Nam nhưng với ông,  đó là chuyến đi bước ngoặt lớn nhất cuộc đời mình. 

Trở về quê hương sau nhiều năm xa cách, ông Johnathan Hạnh Nguyễn không ngờ lần hội ngộ ấy lại mở ra một hành trình gần 40 năm cống hiến không ngừng nghỉ. Ông nhớ lại: "Bắt đầu từ giây phút đau đớn chứng kiến hai con tôi nhập viện vì sốt xuất huyết giữa cơn dịch hoành hành. Bác sĩ trách tôi tại sao lại đem hai cháu nhỏ về lúc này? Thuốc hạ sốt cũng không có. Đêm đó, tôi và vợ chỉ biết cắt chanh chà lên người con để hạ nhiệt,” ông nghẹn giọng nhớ lại.

Chú thích ảnh
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn giới thiệu cho chúng tôi xem bức ảnh khi ông đi thuyết phục mở chuyến bay đầu tiên nối Việt Nam ra thế giới.  

Nhưng tiếng thét của một người mẹ mất con ở phòng bên cạnh mới là thứ ám ảnh ông suốt đời. “Tôi nghe tiếng bà ấy gào lên, tim tôi thắt lại. Đó là khoảnh khắc tôi hiểu, mình không thể quay lưng với quê hương được nữa", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Mặc dù bị gia đình phản đối dữ dội, ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn quyết định trở lại Việt Nam một mình, ông đã gửi lại vợ con nơi xứ người. “Tôi chọn phương án có lỗi với gia đình, chấp nhận hai đứa nhỏ thiếu thốn tình cha, bởi nếu tôi không làm, sẽ chẳng ai làm. Tôi phải là người đặt viên gạch đầu tiên", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Ngoài ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn thanh lý toàn bộ tài sản tại Mỹ, từ nhà cửa đến xe cộ để không còn lý do gì níu kéo tại nơi này. Và một lần nữa, ông đã bước lên máy bay, nhưng là chuyến đi không vé khứ hồi. Đây cũng là thời gian bắt đầu cho sứ mệnh mở cửa bầu trời Việt Nam vươn ra thế giới.

Quay trở lại Việt Nam lần thứ hai, ông Johnathan Hạnh Nguyễn được Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao một nhiệm vụ đặc biệt, đó là mở đường bay đầu tiên nối liền Việt Nam với Philippines. Đây là một quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ và cũng là nơi có nhiều rào cản với Việt Nam thời hậu chiến. 

“Trước khi lên đường xin cấp phép mở đường bay, tôi được Chính phủ Việt Nam trao tặng một chiếc áo chống đạn của Bộ Công an. Khi đó, tôi cũng bất ngờ và ngỡ ngàng hỏi lại: "Có cần thiết không?" Tuy nhiên, người trao chiếc áo đó có nói với tôi: "Chúng tôi muốn anh có thể trở về an toàn. Đây cũng là mệnh lệnh của Tổ quốc giao cho anh"", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Khi thực hiện nhiệm vụ trên và những cuộc đàm phán với các đối tác nước ngoài, ông đều mặc nó như một người bạn luôn bên mình. Tại Philippines, ông đã vận động 12 cơ quan liên tiếp nhưng đều bị từ chối. Sau khi nhận thấy bế tắc ở kênh ngoại giao, ông quyết định dùng đến mối quan hệ bên vợ. Khi đó, vợ ông là cháu của phu nhân Tổng thống Marcos, nhờ mối quan hệ này mà ông có thể trình đơn xin cấp phép mở đường bay đến Việt Nam trực tiếp tại Dinh Tổng thống.

Chú thích ảnh
Chiếc áo chống đạn mà Việt Nam trao tặng được ông giữ gìn cận thận cho đến hôm nay. Đó là một kỉ vật khiến ông luôn khắc ghi về việc phải trở về xây dựng quê hương.

“Đứng trước cánh cửa đó, tim tôi đập như trống trận. Nhưng rồi tôi nhớ đến tiếng khóc người mẹ kia và tôi tiếp tục bước tiếp. May mắn thay, Tổng thống Marcos không hỏi một lời, chỉ cầm bút ký:
"Approved – 4/9/1985". Lúc ra khỏi phòng, tôi run đến mức không đứng nổi. Tờ giấy phép ấy không chỉ là tờ giấy mà đó là cánh cửa đầu tiên đưa Việt Nam ra thế giớ, tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao cho”, ông Hạnh Nguyễn bồi hồi nhớ lại.

Trên những chuyến bay đầu tiên từ nước ngoài đến Việt Nam, ông không chỉ mang theo hành khách mà còn chở về 30 triệu USD hàng hóa, thuốc men. “Tôi tự bỏ tiền nhập thuốc, bởi tôi hiểu điều mà người dân đang cần. Nhưng ba năm vận hành đường bay ấy khiến tôi lỗ 5 triệu USD, số tiền đủ mua 500 căn nhà ở Quận 1 thời đó. Dù vậy, tôi chưa từng than vãn. Khi gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư có nắm tay tôi nói: "Cháu cố gắng giữ đường bay". Tôi hiểu đây không còn là chuyện kinh doanh mà là sứ mệnh quốc gia. Tôi chấp nhận lỗ như một cách góp vốn xây dựng quê hương”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn tâm sự.

Người Việt xây thương hiệu Việt

Không dừng lại ở hàng không, ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiếp tục đầu tư vào sản xuất, du lịch, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân. “Tôi mở nhà máy sản xuất song mây, khoá kéo để xuất khẩu, xây khách sạn 14 tầng đầu tiên ở Nha Trang. Tôi không giỏi tất cả, nhưng tôi giỏi chọn người giỏi và khi dự án ổn định, tôi sẵn sàng rút lui, nhường phần vốn của mình", ông Hạnh Nguyễn nói.

Ngày nay, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng là người đặt nền móng cho cơ quan chuyên trách về đầu tư, tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại TP Hồ Chí Minh. “Tôi trực tiếp tuyển chọn nhân sự, mở văn phòng đầu tiên tại Sài Gòn. Lúc đó, mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Giai đoạn đầu những năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp chính thức có hiệu lực, ông cũng chuyển hướng sang lĩnh vực bán lẻ cao cấp. Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, người Việt rồi sẽ không chỉ muốn ăn ngon mà còn muốn mặc đẹp, sống đẳng cấp. Vì thế, ông chọn hàng hiệu không chỉ vì đam mê, mà đó là thị trường chưa được khai thác đúng mức.

Chú thích ảnh
Trong căn phòng chỉ khoảng 30 m2 nhưng chất chứa rất nhiều bức ảnh, kỉ vật... của ông trong suốt 40 năm qua. 

Theo đó, Tập đoàn IPPG của ông hiện có 45 dự án, trong đó hai mũi nhọn chiến lược là trung tâm tài chính quốc tế và khu phi thuế quan. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết: "Tôi từng mời tỷ phú Howard Lutnick, người được Tổng thống Trump đề cử làm Bộ trưởng Thương mại  đến Việt Nam. Ông ấy cam kết đầu tư ngay 10 tỷ USD, tổng vốn có thể lên tới 120 tỷ USD dành cho việc phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, phải mất ba nhiệm kỳ, dự án mới được nghiên cứu. Đó là điều tôi tiếc nhất. Có thể nói 40 năm trước, tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tôi chỉ còn 5 năm nữa thôi, tôi không biết có kịp nhìn thấy dự án thành hình không".

Ở hướng phát triển thứ hai, đó là khu phi thuế quan, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng  kỳ vọng sẽ tạo ra “nam châm hút khách quốc tế” đến Việt Nam nhiều hơn. Theo ông, hiện nay du khách đến Việt Nam chỉ chi trung bình 300 USD/người. "Nếu chúng ta nâng lên 1.000 USD, với 10 triệu khách, đất nước sẽ có 50 tỷ USD. Nhưng cơ sở mua sắm, giải trí chưa đủ hấp dẫn và níu chân du khách mua sắm nhiều khi đi du lịch. Vì vậy, tôi muốn xây dựng những khu phi thuế quan để cho ngành du lịch sớm "cất cánh"", ông Hạnh Nguyễn nói. 

Chú thích ảnh
 Ông Johnathan Hạnh Nguyễn có nhắn gửi các bạn trẻ rằng: "Các bạn trẻ, hãy bắt đầu bằng những điều vừa sức, đặt lợi ích đất nước lên trước. Khi làm được điều đó, thành công sẽ tự tìm đến”. 

Giờ đây, ở tuổi 75, ông cũng bắt đầu tính tới hành trình chuyển giao thế hệ. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết: “Tôi là người kỹ tính nên chuyện của tương lai đã được tôi chuẩn bị từ 4 -5 năm trước. Gia đình tôi là gia đình trị - cha nói, con nghe, vợ thực hiện. Nhưng tôi không độc đoán, tôi chỉ giao nhiệm vụ cho người đã sẵn sàng”.

Thực tế, vợ ông là bà Lê Hồng Thủy Tiên, hiện là Tổng giám đốc IPPG. Các con ông, Henry và Louis cũng đã phụ trách những mảng kinh doanh riêng biệt. “Tôi không còn sức để bay xa nhưng các con tôi thì đang đi khắp thế giới. Chúng không cần tôi làm gì nữa, chỉ cần tôi góp vốn và ủng hộ tinh thần”, ông Hạnh Nguyễn chia sẻ thêm. 

Tại văn phòng IPPG, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm tấm bằng khen từ Chính phủ, các bộ ngành của Việt Nam, từ các đối tác trong và ngoài nước... nhưng khi chia sẻ với chúng tôi, ông ông Hạnh Nguyễn lại nói: “Danh hiệu lớn nhất với tôi không nằm ở số lượng bằng khen, mà nó nằm ở niềm tin mà đất nước trao cho tôi và tôi đã may mắn giữ trọn được niềm tin ấy”. 

Trước khi chia tay chúng tôi, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cười hiền nói: “Nếu một ông già 75 tuổi, cách đây 40 năm, có thể làm được những việc lớn lao cho đất nước, Tổ quốc mình, vậy tại sao người trẻ hôm nay lại không thể? Các bạn trẻ, hãy bắt đầu bằng những điều vừa sức, đặt lợi ích đất nước lên trước. Khi làm được điều đó, thành công sẽ tự tìm đến”. 

Bài cuối: Nguồn lực chiến lược cho phát triển TP Hồ Chí Minh

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Ra đi để trở về xây dựng quê hương - Bài 1: Khát vọng xây dựng đất nước
Ra đi để trở về xây dựng quê hương - Bài 1: Khát vọng xây dựng đất nước

Trên hành trình phát triển và hội nhập, TP Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước luôn rộng cửa đón những người con xa xứ trở về chung tay dựng xây quê hương. Chính vì vậy, những năm gần đây, ngày càng nhiều kiều bào, Việt kiều lựa chọn quay về, mang theo tri thức, kinh nghiệm quốc tế và nguồn lực tài chính để đầu tư, khởi nghiệp, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN