Để hiểu rõ về cách thức quản lý và ứng xử với tài nguyên nước, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Ông cho biết cụ thể về hạn hán kéo dài ở khu vực miền Trung trong thời gian vừa qua?
Từ tháng 4 đến nay đã xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt, kéo dài ở khu vực miền Trung. Nhiều nơi xuất hiện các kỷ lục về nhiệt độ. Lượng dòng chảy trên các lưu vực thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35-60%, có những lưu vực còn cao hơn. Trước tình trạng nắng nóng, cộng với việc đảm bảo an ninh năng lượng, nhiều hồ chứa cũng đã phải gia tăng lượng nước qua phát điện để đảm bảo cung cấp điện lên lưới điện quốc gia, dẫn tới mực nước các hồ chứa giảm rất nhanh, nhiều hồ thậm chí còn xuống dưới mực nước chết như hồ Trung Sơn, Hủa Na, Sông Tranh 2, hồ Sông Ba Hạ, hồ Ka Nak.
Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông chính ở Trung Bộ, Tây Nguyên thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 15-50%, đặc biệt là các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên... thấp hơn từ 55-80%. Ðến nay, mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng cũng đang ở mực nước thấp, thậm chí có một số hồ chứa đang xấp xỉ mực nước chết. Tuy vậy, tình hình khô hạn kéo dài, thiếu nước xảy ra chủ yếu là cục bộ, nằm ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi, công trình thủy điện lớn thuộc sự điều tiết của quy trình vận hành liên hồ chứa (ngoại trừ một số hồ như hồ Bản Vẽ, An Khê - Ka Năk, A Vương, Hàm Thuận...).
Trước tình trạng thiếu nước ở đầu mùa cạn, nhiều hồ chứa cũng phải giảm lưu lượng xả qua phát điện để tích nước hay một số hồ lưu lượng về hồ được cải thiện và các hồ cũng chủ động tích nước nâng cao mực nước hồ chứa để đảm bảo nhu cầu cấp nước cho hạ du theo quy định của các quy trình vận hành liên hồ chứa.
Nhận định về nguy cơ hạn hán trong mùa khô năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản đôn đốc các địa phương, đặc biệt là các địa phương ở miền Trung và Tây Nguyên và các chủ hồ chứa để chủ động trữ nước, sử dụng tiết kiệm và phương án điều tiết, cấp nước cho hạ du các lưu vực sông nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ở hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn; đồng thời chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện phối hợp chặt chẽ với các địa phương để vận hành điều tiết, bảo đảm việc khai thác nước cấp an toàn cho hạ du các hồ chứa cho đến hết mùa cạn năm 2019 ở các địa phương như: Nghệ An, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Gia Lai, Phú Yên… Chỉ đạo một số hồ chứa phải lập phương án sử dụng một phần dung tích chết của các hồ trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng cũng như các địa phương cần thực hiện các biện pháp sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm.
Để đảm bảo cấp nước cho hạ du mùa cạn năm 2019, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ điều hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ chứa như thế nào, thưa ông?
Để đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2019, ngay đầu tháng 11/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản đôn đốc UBND các tỉnh trong việc chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan, các chủ hồ chủ động tích nước đảm bảo nước cho mùa cạn năm 2019. Riêng đối với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, trước tình trạng mất an toàn cấp nước hạ du, đặc biệt là đảm bảo cấp nước an toàn cho thành phố Đà Nẵng, Bộ đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành, trong đó chỉ đạo các chủ hồ, Công ty cấp nước Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ để điều tiết cấp nước, khai thác tối đa nguồn nước từ đập dâng An Trạch, cụ thể trong các thời điểm nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, giám sát việc vận hành các hồ chứa trong các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông ở miền Trung. Trên cơ sở thực trạng nguồn nước đến các hồ chứa, nhu cầu sử dụng nước của các địa phương chịu sự ảnh hưởng bởi việc điều tiết các hồ chứa để tính toán, cân đối nguồn nước các hồ chứa, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hướng dẫn việc điều tiết, xả nước các hồ chứa trên các lưu vực sông lưu vực sông Cả, sông Ba (hồ An Khê - Ka Nak), sông Trà Khúc… đặc biệt là các lưu vực sông xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Những tháng đầu mùa cạn 2019, Bộ đã chỉ đạo cơ quan chức năng tính toán, cân đối, rà soát phương án điều tiết cấp nước cho hạ du trong điều kiện hạn hán thiếu nước, hướng dẫn các chủ hồ để điều chỉnh chế độ vận hành xả nước của các hồ theo hướng xả nước các hồ chứa luân phiên, nâng cao hiệu quả cấp nước cho hạ du, đặc biệt là cấp nước an toàn cho thành phố Đà Nẵng trong tình trạng thiếu nước.
Đến tháng 5/2019, trong bối cảnh mực nước các hồ vẫn đang ở mức thấp, một số hồ như A Vương, ĐăkMi 4 đều xấp xỉ mực nước chết, các hồ còn lại cũng chỉ cao hơn mực nước chết 4-5m. Hơn nữa, thời gian còn lại của mùa cạn còn hơn 3 tháng nữa, nên Bộ đã nghiên cứu, tính toán, thống nhất với kế hoạch điều tiết xả nước các hồ chứa, đảm bảo cung cấp đủ nước cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn theo hướng tiết kiệm tối đa nguồn nước. Trong quá trình các hồ xả nước, Cục Quản lý tài nguyên nước luôn theo dõi, giám sát việc xả nước các hồ và thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các hồ vận hành xả nước, đặc biệt trong các khoảng thời gian phía hạ du sông Vu Giu - Thu Bồn xảy ra tình trạng nhiễm mặn dài ngày, nhằm đảm bảo cấp nước an toàn cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn, cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất người dân phía hạ du, đặc biệt là cho thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra, xuất phát từ thực tế diễn biến dòng chảy đến các hồ chứa, tình hình mưa lũ trên các lưu vực sông miền Trung, các địa phương cũng đã có nhiều kế hoạch chủ động ứng phó, chẳng hạn như UBND tỉnh Quảng Nam và thành phố Ðà Nẵng chủ động đề xuất và được chấp thuận phương án điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thành phố Ðà Nẵng trong mùa khô 2019. Bên cạnh đó, trên cơ sở đề xuất của một số tỉnh, thành phố, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã xem xét, chấp thuận thống nhất với UBND các tỉnh Bình Ðịnh, Gia Lai, Bình Thuận, Nghệ An… trong việc điều tiết nguồn nước cho hạ du từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong quy trình liên hồ chứa.
Trong thời gian còn lại của mùa cạn năm 2019, Cục sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp với các địa phương trong việc điều tiết nguồn nước hợp lý các hồ chứa, bảo đảm giảm tối đa tác động của tình trạng nắng nóng, hạn hán xảy ra ở các lưu vực sông. Cục sẽ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ việc vận hành của các hồ chứa lớn, quan trọng theo Quy trình liên hồ, bảo đảm cấp đủ lượng nước tối thiểu theo yêu cầu ở dưới hạ du cho đến cuối mùa cạn. Đồng thời, cung cấp bản đồ, tài liệu về nước dưới đất, hỗ trợ kỹ thuật, nhân lực, thiết bị cho các địa phương để khoan giếng, tìm kiếm nguồn nước, phục vụ chống hạn ở các khu vực bị thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là nước sinh hoạt.
Để quản lý và sử dụng hợp lý hơn nữa tài nguyên nước, theo ông cần phải thực hiện những giải pháp gì?
Cho đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông lớn, quan trọng (gồm các sông: Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn, Ba, Sê San, Sê-rê-pốc và sông Ðồng Nai). Việc ban hành kịp thời 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phối hợp điều tiết nguồn nước các hồ chứa. Ngoài việc nâng cao khả năng cắt giảm lũ cho hạ du, còn góp phần nâng cao hiệu quả cấp nước và việc tiếp cận nguồn nước cho người dân và cho sản xuất của các địa phương phía hạ du các hồ chứa.
Hiện Cục Quản lý tài nguyên nước đang phối hợp các cơ quan chức năng triển khai, lập nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước, Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, cũng như lập Quy hoạch các lưu vực sông liên tỉnh như sông Hồng, Cửu Long… và thực hiện các chương trình, Đề án quan trọng, như Chương trình "Ðiều tra tìm kiếm nguồn nước để cấp nước sinh hoạt ở vùng cao, khan hiếm nước" và Ðề án "Ðiều tra đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam". Với việc triển khai quy hoạch, các chương trình, đề án sẽ góp phần quan trọng, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước, khả năng cấp nước sạch cho người dân.
Cục sẽ vẫn tiếp tục thường xuyên giám sát, hướng dẫn các chủ hồ, các địa phương trong công tác vận hành các hồ chứa trong các quy trình vận hành liên hồ chứa trên nguyên tắc ưu tiên việc cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất và đảm bảo an toàn cho nhân dân ở phía hạ du. Trong thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát tự động trực tuyến các hoạt động khai thác, sử dụng nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra; đôn đốc các địa phương, các đơn vị quản lý, vận hành hồ…đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác giám sát tài nguyên nước, giám sát hoạt động sử dụng nước, bảo đảm việc sử dụng nước trên các lưu vực sông mang tính bền vững, bảo vệ tài nguyên nước.
Trân trọng cảm ơn ông!