Theo Phó Vụ trưởng Vụ Nguồn nước và Nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) Hoàng Anh Tuấn, qua kết quả kiểm tra thực tế và theo báo cáo nhanh 6 tháng đầu năm 2019 của các địa phương cho thấy, tổng diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước khu vực Bắc Trung Bộ đến thời điểm này là hơn 17 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, như: Nghệ An (12.387 ha); Quảng Bình (2.390 ha); Quảng Trị (1.017 ha); Hà Tĩnh (730 ha)… Hiện dung tích của các hồ chứa vừa và lớn toàn vùng Bắc Trung Bộ chỉ đạt 43% so với dung tích thiết kế, thấp hơn so cùng kỳ năm 2017 là 22% và năm 2018 là 13%.
Suy kiệt nguồn nước tại khu vực này có nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân khách quan là do lượng mưa trung bình trong tháng 6 của khu vực Bắc Trung Bộ chỉ khoảng 40 mm, thấp hơn so trung bình cùng kỳ năm 2017 khoảng 55% và năm 2018 là 61%. Nền nhiệt độ trong khu vực rất cao, từ 37 - 40 độ C, có những nơi đạt 41 độ C. Với điều kiện nắng nóng như hiện nay, lượng bốc hơi hằng ngày lên tới 5 - 7 mm.
Nguyên nhân chủ quan chính là những bất cập trong công tác quản lý tài nguyên nước. Hiện công tác lập quy hoạch tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2012 vẫn còn chậm. Trong khi chưa thành lập được các cơ quan quản lý lưu vực sông, thì việc điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương vẫn chưa được tính toán cụ thể và đồng thuận cao. Thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán, chưa có cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước.
Tại các địa phương, ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của người dân còn chưa cao; nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên nước một cách lãng phí, chưa hiệu quả. Tình trạng hành nghề khoan nước dưới đất trái phép còn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát...Việc xả thải ra môi trường chưa được kiểm soát tốt càng khiến cho nguồn nước tiếp tục bị suy thoái, cạn kiệt.
Theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nhằm giảm thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân kịp thời, Tổng cục Thủy lợi vừa qua đã có văn bản đôn đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước. Trong đó tập trung vào một số giải pháp như thường xuyên kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn; khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước; xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể cho từng vùng phục vụ của công trình thủy lợi…
Tuy vậy, về dài hạn sẽ cần phải tính đến các giải pháp căn cơ nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước. Muốn vậy, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong tình hình mới. Theo đó, trọng tâm là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước, xử lý, trám lấp giếng không sử dụng; giải pháp bảo vệ nước dưới đất; xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá...
Đẩy mạnh công tác điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở vùng khan hiếm nước, thiếu nước, hải đảo. Nghiên cứu xây dựng để sớm đưa vào hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa; vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện...bằng công nghệ tự động, trực tuyến.
Cục trưởng Cục Tài nguyên nước Việt Nam Hoàng Văn Bẩy cho rằng, cần phải khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch này sẽ giúp “giải bài toán” tài nguyên nước đang cạn kiệt dần, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Cụ thể, cần phải gắn với việc tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất, điều tra chi tiết nhằm đánh giá được tài nguyên nước, thống kê, kiểm kê tài nguyên nước, quan trắc giám sát tài nguyên nước, khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Việc quy hoạch này cần ưu tiên công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng nước ở những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế - xã hội phát triển và nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cần huy động nguồn lực trong nước kết hợp với hợp tác quốc tế nhằm tăng nguồn vốn đầu tư, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ để đẩy nhanh tiến độ điều tra cơ bản tài nguyên nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tích cực triển khai thực hiện việc lập quy hoạch, sẽ hoàn thành sớm và đi vào đời sống.
Trong bối cảnh ấy, việc đầu tư cho các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước trong thời gian tới sẽ bảo đảm tính trọng tâm, trọng điểm, tránh được việc đầu tư dàn trải không hiệu quả. Kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước sẽ phục vụ đắc lực cho công tác quy hoạch, gắn với việc khai thác hiệu quả, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu. Giảm tối đa việc thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các vùng khó khăn về nguồn nước, nhất là thiếu nước sinh hoạt cho người dân là điều cần phải được triển khai cấp bách.
Bài cuối: Hoàn thiện hệ thống giám sát tự động trực tuyến các hoạt động khai thác, sử dụng nước