Tại triển lãm cá nhân “Đất Mẹ”, họa sĩ Nguyễn Như Đức trải lòng: “Sau 11 năm xa Hà Nội, tôi trở về với ‘Đất Mẹ’, như một lời tri ân sâu lắng gửi tới những người phụ nữ đã in dấu trong cuộc đời tôi: Người mẹ, người vợ, người con…”.
Hoạ sĩ Nguyễn Như Đức (áo hồng) và Giám tuyển của triển lãm Trần Trung Lĩnh chia sẻ tại lễ khai mạc triển lãm.
Hơn một thập kỷ sống và sáng tác tại Hội An dường như là quãng lặng để hoạ sĩ Nguyễn Như Đức chiêm nghiệm và gom góp những ký ức, cảm xúc nguyên sơ về tình mẫu tử, để rồi thăng hoa trong loạt tác phẩm sơn dầu trên toan, những áng mộng siêu thực thấm đẫm yêu thương. Trong không gian trầm mặc của triển lãm, người xem như bước vào thế giới đầy chất thơ, nơi hình tượng người mẹ không chỉ là chủ thể của hội họa mà còn là tâm điểm của xúc cảm. Chia sẻ về lựa chọn phong cách siêu hiện thực, hoạ sĩ Nguyễn Như Đức cho biết: “Tôi chọn siêu thực để có thể tự do, bay bổng khắc họa những giấc mơ về mẹ, về những người phụ nữ tôi luôn trân quý trong tâm hồn...”.
Gắn bó với hành trình nghệ thuật của hoạ sĩ Nguyễn Như Đức, giám tuyển Trần Trung Lĩnh nhận định: “Đức vẽ theo bản năng, một bản năng rất tự nhiên, không bị ràng buộc bởi lý thuyết hay cấu trúc nào cả. Nhưng nhìn tổng thể, có thể mường tượng anh bị ‘áp chế’ bởi hình ảnh người phụ nữ là chủ yếu... Tranh của Đức như một khu vườn yên tĩnh. Tâm trí anh bay lượn qua những bảng màu mang phong cách cổ điển, không cố tạo ra điều bất biến mà luôn hướng đến sự cân bằng...”.
Những người yêu hội hoạ có mặt tại triển lãm để thưởng thức các tác phẩm và cổ vũ, động viên hoạ sĩ Nguyễn Như Đức.
Giám tuyển Trần Trung Lĩnh cũng bày tỏ sự bất ngờ trước cách họa sĩ Nguyễn Như Đức nuôi dưỡng và phát triển tác phẩm: “Anh nuôi dưỡng ý tưởng, như gieo hạt trồng cây, từ bản phác thảo chì chi tiết, Đức vẽ đơn sắc, rồi sau đó phủ màu... tác phẩm được xây dựng theo trình tự chậm rãi từng bước. Cảm xúc như là thứ phân bón tăng trưởng cho cây. Hạnh phúc trong từng ngày, từng giai đoạn phát triển của tác phẩm. Mẫu của Đức là vợ, là con, đôi khi là chính bản thân họa sĩ tự lấy mình làm dáng đưa vào tranh. Anh dùng hình ảnh bàn tay mình, cho thêm tính nữ, hình biểu hiện với ngôn ngữ mô tả trực quan bàn tay thiên nhiên, như một chiếc lá, một trái ngọt, nghĩ gì vẽ đó. ‘Đất Mẹ’ trong anh là sự yêu thương, dòng sữa, những điều thiêng liêng...”.
Dưới những lớp màu mượt mà và giấc mơ phi thực, “Đất Mẹ” không chỉ là một triển lãm hội họa, mà là hành trình nội tâm sâu sắc, nơi tình mẫu tử, ký ức và sự thiêng liêng của người phụ nữ hiện hữu qua từng đường nét, từng khoảng lặng.
Một bạn trẻ chiêm ngưỡng bức tranh "Nghe tiếng hát" tại triển lãm.
Tác phẩm "13 ánh trăng trong vườn" là bức vẽ hoạ sĩ Nguyễn Như Đức tâm huyết, ấn tượng nhất trong triển lãm.
Nói về các tác phẩm trong triển lãm, hoạ sĩ Lê Thiết Cương, gương mặt tiêu biểu của hội họa đương đại Việt Nam chia sẻ: "Nguyễn Như Đức chọn con đường hiện thực, chính xác là ở giữa mơ và thực. Anh muốn ‘hóa vàng’ cái vỏ của đời sống thực đã đông cứng, để làm cho nó phải ‘hóa thân’ vào một hiện thực khác, một hiện thực riêng có cho mình. Bằng hội họa của mình, Đức đã đưa một đề tài lớn, trừu tượng như “Mẹ” trở thành những câu chuyện hữu hình, đời thường, giản dị. Qua con đường mơ thực - thực mơ, anh đưa người xem bước vào một thế giới nơi tình mẫu tử hiện lên cả trong hình ảnh người phụ nữ nhiều tay như Quan Âm, lẫn trong những khu vườn, ánh trăng, bầu trời… tất cả đều là Mẹ, là Đất Mẹ".