Quản lý và sử dụng tài nguyên nước bền vững - Bài 1: Nguồn nước đang bị suy thoái

Tài nguyên nước ở Việt Nam là nguồn tài nguyên quý giá nhưng không vô hạn, lại không phân bố không đồng đều và ngày càng có nguy cơ thiếu hụt do biến đổi khí hậu.

Đồng thời, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cộng với sự phát triển của khu vực nông nghiệp đã khiến nhu cầu nước tăng cao. Chính vì vậy, thời gian tới cần giải quyết bất cập trong công tác quản lý nhà nước; bổ sung và sửa đổi hệ thống pháp luật; tăng cường phối hợp trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương nhằm hướng tới quản lý và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên quý giá này. Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm 3 bài về “Quản lý và sử dụng tài nguyên nước bền vững”.

Chú thích ảnh
Một đoạn sông Nhuệ tù đọng, đen ngòm đi qua địa phận xã Hữu Hòa và xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Bài 1: Nguồn nước đang bị suy thoái

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khối lượng nước thải được xử lý ở khu công nghiệp hiện chỉ được khoảng 65%, đô thị 15%, nông nghiệp 0%. Đây là nguy cơ lớn gây nên suy thoái nguồn tài nguyên nước mặt và nguồn nước ngầm. Tất cả lượng nước thải không qua xử lý hoặc qua xử lý đều đổ vào các hệ thống sông tiêu rồi ra dòng chính hoặc đổ thẳng xuống dòng chính.  Khả năng tự làm sạch các sông có giới hạn, hầu hết các sông ở các thành phố lớn nhỏ của Việt Nam đã trở thành những “dòng sông chết”. Những con sông trước đây còn là những dòng sông thơ mộng trong lành như sông Nhuệ - sông Đáy thì nay là “dòng sông chết”; sông lớn trong lịch sử như sông Tô Lịch - Kim Ngưu trở thành các kênh nước thải với mức độ ô nhiễm không thể cao hơn. Ở mức độ khác nhau, các hệ thống sông khác cũng đều đang rơi vào tình trạng này.

Nguy cơ suy thoái gia tăng

Ông Nguyễn Minh Đức, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng Việt Nam cho biết: Việc quy hoạch dày đặc trên các dòng sông như việc xây dựng các công trình hạ tầng đập- hồ chứa trên tất cả các lưu vực sông lớn, nhỏ để phát điện và tưới tiêu đã làm thay đổi căn bản dòng chảy tự nhiên của các dòng sông. Bên cạnh những tác động tích cực điều tiết để điều hòa nguồn nước giữa các mùa trong năm phục vụ sản xuất và đời sống, khắc phục điều kiện thời tiết của vùng nhiệt đới gió mùa thì việc vận hành các hồ chứa vì mục đích ngành (phát điện) đã gây tác động tiêu cực, tạo nguy cơ lũ, giảm lưu lượng nước vào mùa khô gây thiếu nước và tình trạng tranh chấp nước ở thượng hạ lưu các dòng sông (điển hình sông Hồng - Thái Bình; Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba...).

Đặc biệt, việc vận hành các hồ chứa vì mục đích phát điện làm suy giảm lượng phù sa bồi đắp cho các vùng đồng bằng châu thổ, làm bạc màu, gia tăng sử dụng hóa chất cho cây trồng. Ngoài ra, việc thiếu hụt phù sa và trầm tích cũng gây ra việc xói lở lòng và bờ sông. Việc quy hoạch các công trình phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp lớn như nhà máy giấy, nhà máy nhiệt điện sử dụng một khối lượng rất lớn nước cũng gây ra nhiều vấn đề đối với nguồn tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, việc khai thác cát không được kiểm soát đã gây nên những vấn đề lớn đến môi trường nước của các dòng sông, cụ thể là suy giảm phù sa do các hồ chứa thượng lưu (không hề có hệ thống xả đáy ở tất cả các hồ chứa ở Việt Nam). Khai thác cát cũng gây nên những hệ lụy cho các dòng sông, đó là hạ thấp các lòng sông (sông Hồng hạ thấp từ 2-12 m, sông Tiền và sông Hậu hạ thấp xuống trung bình 1,3 m), xói lở bờ khiến người dân mất đất, mất sinh kế, gây ra mất ổn định các công trình trên bờ sông như cầu, cống. Tình trạng lấn chiếm sông để xây dựng các công trình nhà ở, các siêu dự án như lấn sông Đồng Nai, lấn rạch Trị Yên gây ra tình trạng ngập úng vào mùa mưa cho khu vực dân cư sống xung quanh đó. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có đến  70 điểm sông bị lấn chiếm từ quy mô hàng chục đến hàng trăm km. Việc lấn chiếm xảy ra từ chính những người dân sinh sống tại đó cho đến những dự án đã được phê duyệt đang bức tử những dòng sông, gây ra hiện tượng biến đổi dòng, thu hẹp dòng chảy tự nhiên mà hậu quả chính là tình trạng sụt lún, ngập úng khi dòng chảy bị thay đổi không thể tiêu thoát.

Phải có những chế tài trong quản lý

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác quản lý Nhà nước còn bộc lộ nhiều thiếu sót trong việc kiểm soát, kiểm tra các sự việc liên quan đến ô nhiễm môi trường nước. Nhiều sự việc chỉ khi người dân phát giác và báo chí vào cuộc thì lúc đó mới có các biện pháp giải quyết. Tuy vậy, tính chất các sự việc đã vô cùng nghiêm trọng và việc giải quyết gây nhiều khó khăn, tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc. Do đó, Nhà nước cần phải có những chế tài nhất định trong việc quản lý, thường xuyên thanh tra những cơ sở, doanh nghiệp, những điểm ô nhiễm để tránh những hậu quả môi trường nặng nề có thể xây ra, việc kiểm tra cũng phải minh bạch cả về thông tin lẫn hình thức.

Phó Vụ trưởng Vụ Nguồn nước và Nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc quy hoạch xây dựng các công trình trên sông cần được xem xét một cách cẩn thận, trong đó đánh giá tác động môi trường, xã hội cần được xây dựng cụ thể và sự góp ý của chuyên gia đa ngành. Hơn nữa, việc đánh giá tiền khả thi trước mỗi dự án luôn cần được thực hiện nghiêm túc tránh khi công trình đã được phê duyệt xây dựng lại xảy ra những vấn đề bất cập, đe dọa đến môi trường cũng như cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, khi xây dựng quy hoạch cũng nên đề cập đến sự phát triển bền vững nhất là quy hoạch thủy điện, thủy lợi trên các con sông hiện nay. Những dòng sông đang bị “ bức tử”, biến dạng dòng chảy, đều ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều tiết nước vào các mùa, đe dọa không chỉ cuộc sống người dân mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của hệ sinh thái động thực vật, nhất là những vùng có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài đặc hữu.

Đồng thời, Chính phủ cần có những kiến tạo, hành động, biện pháp kiên quyết; quản lý đồng bộ, thống nhất giữa các Bộ, ban, ngành trong các vấn đề xả thải ra sông suối, kênh rạch thủy lợi. Theo đó, các Bộ, ngành, khi xây dựng Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường cần nhìn rõ vào thực trạng tại địa phương để hoàn thiện nội dung, định hướng hợp lý. Ngoài ra, các địa phương cần giám sát các chủ doanh nghiệp, các công trình xây dựng cạnh sông, phát hiện và xử phạt các hành vi vi phạm, cấm và tạm dừng các hoạt động gây nguy hại đến môi trường nước.

Bài 2: Cần quy hoạch tổng thể tài nguyên nước

Diệu Thúy (TTXVN)
Cần cải cách thể chế trong quản lý tài nguyên nước
Cần cải cách thể chế trong quản lý tài nguyên nước

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tại Hội nghị báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Cục Quản lý Tài nguyên nước và đề xuất nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, sáng 10/7, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN