'Quả ngọt' trong nỗ lực chống dịch COVID-19

Sáng 10/4, thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành chữa trị khỏi cho tất cả 6/6 bệnh nhân mắc COVID-19. Để có thành quả này là nhờ sự đồng lòng của toàn thể nhân dân, hệ thống chính trị và hy sinh thầm lặng của những y, bác sĩ đã không quản ngày đêm, hy sinh bản thân, căng mình chống dịch.

Sẵn sàng điều trị từ những ngày đầu

Để chuẩn bị cho việc cách ly và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, Bệnh viện Đà Nẵng đã lập kế hoạch, phương án và thành lập đội phản ứng nhanh, kịp thời phòng chống dịch. Trong đó, với quy trình khép kín, chuyên nghiệp, việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 được chia thành nhiều bộ phận riêng biệt như: bộ phận phận kiểm soát nhiễm khuẩn, bộ phận vệ sinh, bộ phận xử lý cái rác thải, bộ phận cách ly, bộ phận kỹ thuật, bộ phận dinh dưỡng... Ngoài ra, Khu điều trị cũng vận hành quy trình một chiều, tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt.

Chú thích ảnh
 Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng cho Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm (Trưởng khoa Y học Nhiệt đới), bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. 

Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, Lê Đức Nhân cho hay: Trong những ngày đầu, Bệnh viện Đà Nẵng đã rất chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, Bệnh viện luôn cập nhật các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế và trang bị đầy đủ dụng cụ phòng hộ, thiết bị y tế cho nhân viên, y tế. Bệnh viện thường xuyên liên lạc, trao đổi với các bác sĩ đầu ngành trong cả nước thông qua cầu trực tuyến, cập nhật tình hình về diễn biến dịch bệnh và các kiến thức điều trị ở Việt Nam và trên thế giới. Dựa trên những khuyến cáo, quy định chung của Bộ y tế, Sở Y tế, Bệnh viện Đà Nẵng đã áp dụng quy trình chữa trị theo điều kiện thực tế.

Bên cạnh đó, Bệnh viện chủ động tập huấn thường xuyên cho các nhân viên y tế, giúp mọi người nắm vững quy trình, phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Điều này đảm bảo cho các nhân viên y tế, bác sĩ luôn an toàn và khi bước vào thực hiện công việc sẽ không bị lúng túng. Ngoài ra, Bệnh viện cũng sắp xếp, bố trí riêng những khu cách ly, trang bị đầy đủ tất cả các điều kiện sinh hoạt, đảm bảo vấn đề dinh dưỡng và thực hiện xét nhiệm định kỳ cho nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân.

Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Lê Đức Nhân cũng cho hay, Bệnh viện Đà Nẵng rất may mắn vì có đội ngũ cán bộ nhân viên y tế xung kích, đầy trách nhiệm và nhiệt tâm. Mặc dù mọi người đều biết đứng trước tuyến đầu chống dịch sẽ gặp nhiều nguy hiểm, nhưng các cán bộ y, tế vẫn luôn lạc quan, dành hết trí tâm để quyết chiến với dịch bệnh.

Những hy sinh thầm lặng

Khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát ở nước ngoài, các bác sĩ, nhân viên y tế ở Bệnh viện Đà Nẵng đã luôn sẵn sàng, chuẩn bị tâm lý để quyết chiến chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong những ngày qua 45 y, bác sĩ trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19  đã phải căng mình, hy sinh bản thân, bất chấp nguy hiểm để thực hiện công tác chống dịch tốt nhất.

Với bác sĩ Trương Thị Hoa, người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, hơn 1 tháng nay, chị chưa được về với gia đình và phải sinh hoạt, cách ly tại Bệnh viện. Tại đây, công việc của chị mỗi ngày là khám cho bệnh nhân và xem chỉ số sinh tồn, nắm tình hình sức khỏe, sau đó hội chẩn tại khoa và đưa ra hướng điều trị.

Mỗi ca trực của chị kéo dài 24 giờ, đó là khoảng thời gian khá dài, khiến ai cũng mệt mỏi, nhưng với chị đó là nhiệm vụ phải làm và luôn trong trạng thái lạc quan, tin tưởng đến ngày chiến thắng dịch bệnh. “Khi bắt đầu trực tiếp điều trị cho hai bệnh nhân thứ 22, 23 tôi rất lo lắng và hồi hộp, tuy nhiên khi được sự động viên, hướng dẫn của lãnh đạo bệnh viện tôi đã yên tâm và sẵn sàng cho cuộc chiến chống dịch”, bác sĩ Trương Thị Hoa chia sẻ.

Kể về khó khăn trong những ngày điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Trương Thị Hoa cho hay: Để điều trị bệnh nhân, chị đã phải thường xuyên mặc áo quần bảo hộ và luôn đảm bảo quy trình y tế cho nên nhiều lúc rất nóng, mồ hôi chảy ướt người. Trong quá trình chữa trị chị cũng gặp khó khăn trong giao tiếp do có bệnh nhân là người ngoại quốc. Tuy nhiên chị vẫn cố gắng giải thích, trấn an, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho bệnh nhân.

Chị Hoa tâm sự: Chị có 2 con nhỏ 3 tuổi và 6 tuổi và đây là lần đầu chị xa con lâu như vậy. Chị luôn được mọi thành viên trong gia đình ủng hộ, chia sẻ vất vả nên nổi nhớ cũng dần vơi, giúp chị tập trung vào công việc hơn.

Theo chị Hoa, các nhân viên y tế ở đây luôn vui vẻ, tận tụy chăm sóc bệnh nhân, mọi thắc mắc hay khó khăn của bệnh nhân đều được các y, bác sĩ hỗ trợ hết mình.

Để việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả, vai trò của người thủ lĩnh rất quan trọng. Với bác sĩ Phạm Ngọc Hàm (Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng) ngoài việc trực tiếp điều trị các bệnh nhân. Bác sĩ cũng là người cùng ăn, cùng ở và thường xuyên động viên, khuyến khích các nhân viên y tế kiên cường đương đầu chống lại dịch bệnh.

“Để công tác phòng chống dịch được hiệu quả, tôi không những phải làm tốt công việc chuyên môn, mà phải truyền động lực, hưng phấn cho đội ngũ y, bác sĩ, để họ luôn sẵn sàng làm việc với ý chí quyết tâm, vượt qua mệt mỏi. Tôi cũng thường nói: các y, bác sĩ là những chiến sĩ thực sự trong cuộc chiến chống dịch, trọng trách của mỗi người đều rất lớn. Vì vậy chúng ta hãy luôn quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh”, Bác sĩ Hàm chia sẻ.

Thành quả bước đầu trong cuộc chiến chống dịch

Tính đến nay, Đà Nẵng đã chữa khỏi 6/6 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là bệnh nhân thứ 22, 23, 35, 68, 122, 135 (gồm 3 người Việt Nam và 3 người nước ngoài). Những người mắc COVID-19 sau khi được ra viện đều gửi lời cảm ơn, với sự trân quý đội ngũ y bác sĩ đã trực tiếp chữa trị.

Trong ngày ra viện, bệnh nhân 68, quốc tịch Mỹ chia sẻ: “Tôi cám ơn rất nhiều. Tôi rất ấn tượng với Việt Nam và hệ thống y tế ở đây. Tôi là người Mỹ và đất nước tôi đang trải qua giai đoạn thật sự tồi tệ. Việt Nam đã làm rất tốt trong việc cách ly mọi người để chắc chắn rằng virus không lây lan trong xã hội. Tôi cám ơn Việt Nam đã cứu tôi và bảo vệ gia đình tôi cũng như người dân ở đây. Các y, bác sỹ ở đây đã làm rất tốt, tôi rất tự hào về Việt Nam."

Chú thích ảnh
Bệnh nhân 135 tặng các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng chiếc bánh với dòng chữ "Cám ơn Đà Nẵng". 

Còn với bệnh nhân 135, (27 tuổi), quốc tịch Việt Nam, những ngày đầu tiên của khi mới đưa tới bệnh viện điều trị, bệnh nhân luôn cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên sau thời gian điều trị được các bác sĩ an ủi, giải thích và chăm sóc nhiệt tình, dần dần bệnh nhân đã cảm thấy yên tâm, hợp tác với các y, bác sĩ. Sức khỏe của bệnh nhân cũng tốt lên từng ngày. Trong ngày xuất viện, bệnh nhân đã tặng cho các nhân viên y tế trực tiếp điều trị chiếc bánh kem ghi dòng chữ “Cám ơn Đà Nẵng”.

Bày tỏ sự vui mừng khi cả 6 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Đà Nẵng đã được công bố khỏi bệnh. Bác sỹ Lê Đức nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, việc điều trị các ca mắc COVID-19 rất phức tạp. Tuy nhiên với sự nhiệt huyết, hy sinh của các nhân viên y tế, thực hiện đúng quy trình, phác đồ của Bộ Y tế cộng thêm sự động viên của lãnh đạo, người dân nên qua các ngày điều trị, các bệnh nhân đều có diễn biến thuận lợi và được công bố khỏi bệnh. Trước thành quả bước đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh, các nhân viên y tế đều mong muốn tiếp tục cống hiến sức mình, chung tay cùng đất nước nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

“Phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là thấy được bệnh nhân khỏe mạnh và trở về. Đứng trước chiến tuyến chống dịch thì ai cũng lo lắng. Tuy vậy chúng tôi không lo sợ, vì luôn có sự hỗ trợ và ủng hộ của nhân dân, chính quyền”. Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng) cho hay.

Bài và ảnh: Võ Văn Dũng (TTXVN)
Bệnh nhân thứ 5 mắc COVID -19 tại Đà Nẵng xuất viện
Bệnh nhân thứ 5 mắc COVID -19 tại Đà Nẵng xuất viện

Chiều 6/4, Bệnh viện Đà Nẵng đã cho xuất viện thêm một bệnh nhân mắc COVID-19. Đây cũng là đợt xuất viện thứ 3 tại Đà Nẵng với 5 bệnh nhân được điều trị thành công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN