Phòng ngộ độc thực phẩm trong trường học

Một số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học xảy ra gần đây khiến phụ huynh lo lắng. Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong trường học, cần sự tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trong và ngoài trường học.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm

Mới đây, 6 học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) đã phải nhập viện cấp cứu vì nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bún gạo xào. Cụ thể, sau 2 giờ 30 phút ăn trưa có 6/1.348 trường hợp cùng ăn bún gạo xào có triệu chứng đau bụng, nôn ói. Trong đó, có một học sinh đau bụng nghỉ tại phòng y tế, sau đó về nhà, còn lại 5 học sinh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn điều trị.

Chú thích ảnh
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) ăn trưa tại căn tin trường.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bữa trưa của trường vào ngày hôm đó có tổng cộng 1.393 suất ăn, trong đó có 1.348 suất bún gạo xào nem nướng, thịt nướng, canh hẹ, 26 suất thức ăn chay, 19 suất cháo.

Các suất ăn này được cung cấp bởi Công ty TNHH TM-DV Ngọc Huệ (178/14 Cô Giang, phường Cô Giang, Quận 1). Cơ sở này có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Phòng Y tế Quận 3 đã phối hợp với Trung tâm Y tế Quận 3, Trạm Y tế phường Võ Thị Sáu đến hiện trường điều tra dịch tễ và niêm phong mẫu lưu thực phẩm và đang chờ kết quả kiểm nghiệm. Đồng thời, Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) đã tạm dừng hoạt động tổ chức ăn bán trú cho đến khi có kết luận chính thức, đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cũng tạm ngưng dịch vụ.

Trước đó, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cũng tiếp nhận 15 học sinh của 4 trường tiểu học nhập viện với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm. Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, có 10/15 học sinh bị ói sau khi ăn sushi, 1 học sinh bị chóng mặt buồn nôn sau khi ăn bánh mì trước cổng trường, các học sinh khác sử dụng thực phẩm mua trước cổng trường hoặc trên đường đi.

Thầy Nguyễn Ngọc Hải Đăng, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Triết (thành phố Thủ Đức) cho biết, hiện tại trường có khoảng 1.500 học sinh dùng bữa ăn bán trú. Do đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được nhà trường chú trọng. Nhà trường thuê đơn vị nấu ăn ở ngoài tổ chức nấu ăn ngay tại bếp ăn của trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giám sát, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh.

“Hàng ngày nhà trường đều công bố thực đơn của học sinh cho phụ huynh biết, đặc biệt ban đại diện cha mẹ học sinh có thể vào trường kiểm tra bếp ăn, khẩu phần ăn của học sinh bất kỳ lúc nào”, thầy Đăng thông tin.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại trường học, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, một số đơn vị cung ứng suất ăn sẵn hợp đồng cùng lúc với nhiều cơ sở giáo dục, vượt quá số lượng suất ăn được cấp phép nên nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm cao. Đáng lo ngại, một vài địa phương vẫn còn các hàng rong trước và xung quanh trường học.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đề xuất các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị phạm. Đồng thời, Sở cũng kiến nghị bên công khai danh sách các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn đạt tiêu chuẩn an toàn trong đó nêu rõ số lượng suất ăn mà đơn vị đó được cung cấp trong ngày. Thêm nữa là giải quyết triệt để tình trạng hàng rong trước cổng trường cũng là một ưu tiên nhằm bảo vệ sức khoẻ của học sinh.

Tăng cường thanh, kiểm tra

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố hiện có hơn 2.400 trường học và gần 2.000 nhóm trẻ độc lập tư thục. Trên thực tế, số lượng đơn vị và trẻ tham gia ăn bán trú trong năm học rất lớn. Do đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học được cho là nhiệm vụ quan trọng của ngành.

Hàng năm, Sở đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tập huấn, cập nhật thông tin mới về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng bữa ăn trong trường học, đồng thời trong năm học liên tục triển khai các đoàn kiểm tra công tác tổ chức bán trú trong trường học. Đặc biệt, trong năm học 2024 – 2025 Sở còn tăng cường thêm các kênh giám sát từ phụ huynh, dư luận xã hội để kiểm soát hơn nữa chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh.

Ông Dương Trí Dũng cho biết, Sở đã yêu cầu các trường học chọn các đơn vị cung ứng dịch vụ ăn uống trong trường học, nguyên liệu đầu vào được cung cấp từ các cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn. Các trường phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và toàn bộ quá trình chế biến, bảo quản vận chuyển. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm sẽ bị nghiêm cấm cung cấp suất ăn cho đơn vị. Bên cạnh đó, Sở khuyến khích xây dựng mô hình bữa ăn an toàn gắn liên với phong trào “dạy tốt, học tốt”. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện định kỳ 3 mỗi năm: Đầu năm, giữa kỳ và cuối năm học. Song song đó, Sở chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm công tác tự kiểm tra nghiêm túc công tác bảo an toàn thực phẩm tại đơn vị mình.

Ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố cho biết, để ngăn chặn ngộ độc thực phẩm trong trường học đơn vị sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thông qua kế hoạch thanh kiểm tra hàng năm. Cuộc kiểm tra tập trung vào nhiều yếu tố quan trọng như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm nước sử dụng trong chế biến; kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, hợp đồng mua bán, hóa đơn mua vào, hồ sơ đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, giấy tờ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sổ thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở…

“Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục lựa chọn được cơ sở cung cấp suất ăn sẵn phù hợp với nhu cầu về số lượng, chất lượng, chúng tôi đăng tải thông tin của các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên trang thông tin điện tử của Sở. Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra 2.544 bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong các cơ sở giáo dục. Sau khi kết thúc đợt kiểm tra vào ngày 31/10, chúng tôi sẽ công khai kết quả kiểm tra để người dân được biết”, ông Lê Minh Hải thông tin.

Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức cần tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý tình trạng kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường các cơ sở, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống tự phát xung quanh trường học không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Xét nghiệm độc chất trong vụ 6 học sinh ngộ độc thực phẩm tại trường
TP Hồ Chí Minh: Xét nghiệm độc chất trong vụ 6 học sinh ngộ độc thực phẩm tại trường

Liên quan đến 6 học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) nghi ngộ độc thực phẩm, ngày 11/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp Sở An toàn thực phẩm Thành phố và nhà trường tiến hành điều tra dịch tễ, xét nghiệm độc chất nhằm ngăn chặn kịp thời, tránh để xảy ra các trường hợp ngộ độc tương tự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN