Phát huy sự sáng tạo thiết bị đào tạo tự làm từ các trường cao đẳng, trung cấp

Duy trì và phát huy phong trào sáng tạo thiết bị đào tạo tự làm từ cơ sở để giúp sinh viên, học sinh nhanh chóng nắm bắt kiến thức, thực hành trên thực tế đang được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp) triển khai.

Học sinh, sinh viên dễ hiểu bài

Sau hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ 7 vừa qua, mô hình Hệ thống điều khiển phun dầu điện tử CRDI của Trường trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội đã được đưa vào giảng dạy cho học sinh khoá K17 ngay tại Khoa công nghệ ô tô của trường.

Thầy Nguyễn Văn Đảm, Trưởng Khoa Công nghệ ô tô cho biết: Hệ thống phun dầu điện tử là công nghệ mới của ô tô nên trên thị trường khá đắt, nếu học trực tiếp trên xe sẽ khó tiếp thu nên từ năm 2021, trường đã có ý tưởng và xây dựng mô hình điều khiển phun dầu điện tử mang tính thị phạm dễ cho giảng dạy và học sinh cũng nhanh chóng tiếp thu công nghệ mới. Do là công nghệ mới và tích hợp cả yếu tố cơ điện và phần mềm điều khiển nên nhà trường lập nhóm nghiên cứu, thiết kế từ một số khoa, trong đó chủ lực là Khoa công nghệ ô tô.

Chú thích ảnh
Thầy Nguyễn Văn Đảm giới thiệu mô hình điều khiển phun dầu điện tử. tới sinh viên trong trường.

Trong quá trình mô hình, phần khó lại đến từ nút bật, tắt điều khiển on-off gắn với bảng mạch điều khiển tự động. “Bảng mạch này có vai trò điều tiết dầu theo tốc độ mô phỏng xe đi trên đường. Ban đầu phần kết nối và điều khiển này không được như mong muốn. Sau nhiều lần thử nghiệm, rà soát, các thầy cũng đã hoàn chỉnh được phun dầu điện tử như mô phỏng tốc độ xe như trên thực tế”, thầy Đảm cho biết.

“Do tận dụng nhiều vật tư, thiết bị sẵn có, giá mô hình hệ thống điều khiển phun dầu điện tử CRDI rẻ hơn rất nhiều so với với thiết bị mua mới hoặc phải tháo dỡ hẳn một thiết bị trong xe để học sinh thị phạm. Đồng thời khi làm mô hình này, các thầy cũng hiểu rõ hơn về các chi tiết, nguyên lý hoạt động của xe phun dầu điện tử”, thầy Nguyễn Văn Đảm chia sẻ.

Từ khi có mô hình này, việc giới thiệu nguyên lý hoạt động phun đầu điện tử trở nên dễ dàng trong việc dạy học, thầy giáo không phải dạy quá nhiều lý thuyết mà học sinh vẫn nắm được kiến thức. “Mô hình này đã được giải Nhất về thiết bị đào tạo tự làm của Hà Nội và đạt giải Nhì hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc 2022”, thầy Đảm chia sẻ

Em Nguyễn Minh Anh (học sinh khoá K17) cho biết: Nhìn mô hình trên một mặt phẳng sẽ dễ hình dung rất nhiều so với học lý thuyết là hình vẽ hoặc nhìn trên thực tế là buồng kín. Qua nắm nguyên lý, học sinh dễ áp dụng thực hành sửa chữa xe.

Mô hình điều khiển phun dầu điện tử của trường Trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội sẽ cùng với các mô hình khác của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn cũng sẽ được giới thiệu tại chương trình hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động sẽ diễn ra vào ngày 11/12 tới.

Trong khi đó, thầy Mai Ngọc Phong, trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng cho biết: Mô hình mô phỏng hệ thống cứu sinh, cứu hỏa trên tàu thủy cũng đang được giới thiệu tới sinh viên học về hàng hải tại trường. An toàn trên tàu thủy, nhất là cứu sinh, cứu hỏa là những vấn đề sống còn đối với mỗi thuyền viên. Con tàu hoạt động trên biển độc lập hoàn toàn. Khi xảy ra sự cố, các thuyền viên phải tự cứu lấy tính mạng và tài sản của mình.

Chú thích ảnh
Thày Mai Ngọc Phong bên mô hình mô phỏng hệ thống cứu sinh, cứu hỏa trên tàu thủy.

"Do đó, người học cần được học qua mô hình với những thiết bị giống trên con tàu thật. Khi xuống tàu, các em có thể nhanh chóng vận hành, tìm ra và khắc phục các sự cố một cách an toàn nhất. Mô hình này bao gồm mọi chi tiết giống trên con tàu thật, các sự cố và hệ thống thiết bị cứu sinh, cứu hỏa được mô phỏng tương tự tình huống thực tế. Mô hình con tàu được làm bằng chất liệu mica có thể thả trên nước, người học quan sát được các hiện tượng bên trong", thầy Mai Ngọc Phong chia sẻ.

Cần cơ chế khuyến khích

Kiểm nghiệm thực tế trong quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tính sư phạm, các thiết bị đem đến hội thi toàn quốc lần thứ 7 được đánh giá là những phương tiện hữu ích, giúp các thầy cô giáo đạt hiệu quả thiết thực trong giảng dạy. Việc tổ chức giảng dạy trên các mô hình thu nhỏ, các thiết bị đào tạo tự làm đã làm tăng tính trực quan, giúp người học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề.

Chú thích ảnh
Học sinh, sinh viên tại trường Trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội được học gắn với thực tế tại xưởng của trường.

Sự khác biệt của các thiết bị này còn tạo nên hứng thú cho người dạy, người học, trực quan hóa quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát huy khả năng sẵn có, thực hiện nhiệm vụ vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu để sản xuất thiết bị, làm phong phú thêm nguồn trang thiết bị đào tạo trong nhà trường.

Các mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng công nghệ kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp, công nghệ AI, công nghệ IoT đã trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở đào tạo.

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, mặc dù cuộc thi đã tạo được hiệu ứng tích cực trong việc khuyến khích, thúc đẩy phong trào sáng chế thiết bị đào tạo tại cơ sở, số lượng thiết bị đào tạo ở các ngành nghề dự thi đã tăng khoảng 10% so với kỳ thi trước. Tuy nhiên vẫn chưa đáng kể so với tổng ngành nghề hiện nay đang đào tạo. 

Hiện nay, vẫn còn một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có số giờ thực tập thấp, tỷ lệ học sinh, sinh viên trên một thiết bị đào tạo còn cao, ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của nhà giáo cũng như việc rèn luyện kỹ năng tay nghề cho người học. "Việc tự nghiên cứu, sản xuất thiết bị đào tạo trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nếu làm tốt công tác này thì hàng năm sẽ cung cấp một số lượng đáng kể thiết bị đào tạo, không chỉ được sử dụng tại cơ sở đào tạo mà còn có thể cung cấp cho nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, góp phần giảm áp lực đầu tư ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp", ông Đỗ Năng Khánh chia sẻ.

Để phong trào thiết bị tự làm tiếp tực lan toả, các cơ quan quản lý và cơ sở đào tạo sớm nghiên cứu tạo cơ chế phù hợp để thúc đẩy phong trào sản xuất thiết bị đào tạo ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn; Xem xét việc hàng năm dành một phần kinh phí để hỗ trợ tự sản xuất thiết bị đào tạo, có chính sách để các thiết bị đào tạo tự làm đạt giải cao trong các hội thi toàn quốc có chỗ đứng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng chính sách để khuyến khích phong trào nghiên cứu, sáng tạo, tự thiết kế, chế tạo thiết bị đào tạo trở thành công việc thường xuyên trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bài, ảnh, clip: XC/Báo Tin tức
Đưa hình ảnh áo dài thành ‘đại sứ du lịch'
Đưa hình ảnh áo dài thành ‘đại sứ du lịch'

Ngày 26/11, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Sở Du lịch Hà Nội đã họp báo thông tin về Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2022 sẽ được tổ chức từ ngày 2-4/12 tại tuyến phố đi bộ hồ Gươm. Lễ hội chuyển tải thông điệp hình ảnh chiếc áo dài từ “đại sứ văn hóa” dần trở thành “đại sứ du lịch” và là một sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội, Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN