Vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa quan tâm đến an toàn thông tin

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội thảo - Triển lãm quốc tế ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022 với chủ đề: “Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn”. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng quan điểm của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết: Đơn vị đã tiến hành khảo sát 135 tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam về công tác đảm bảo an toàn thông tin. Theo đó, cứ 4 tổ chức, doanh nghiệp có 1 đơn vị đã từng bị gián đoạn hệ thống, dịch vụ bị tấn công mạng trong năm 2022; Có đến 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại; Có 87% tổ chức, doanh nghiệp lo ngại về yếu tố con người, 58% đơn vị lo ngại về điểm yếu tố công nghệ và 47% lo sợ về lỗ hổng quy trình; 68% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin để đáp ứng yêu cầu hàng năm.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng: Trong quá trình chuyển đổi số, an toàn thông tin có vai trò quan trọng, đảm bảo an toàn dữ liệu. Bên cạnh sự đồng hành của doanh nghiệp an toàn thông tin, hiệp hội thì ý thức người dân bảo vệ dữ liệu có vai trò quan trọng.

Trong phiên toàn thể sáng 24/11 đã diễn ra lễ ký thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) cho người dân trên không gian mạng với sự tham gia của Cục An toàn thông tin, VNISA và 9 doanh nghiệp: VNPT, Viettel, MobiFone, TikTok, VNG, Cốc Cốc, BKAV, CMC và VNG.

Theo Cục An toàn thông tin, những doanh nghiệp tham gia Liên minh cần đáp ứng được một số tiêu chí như: Là doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT); có lượng người dùng dịch vụ lớn tại Việt Nam; có nền tảng hạ tầng, sản phẩm đáp ứng các tiêu chí an toàn cho người dùng. Thời gian tới, Liên minh sẽ mở rộng để các doanh nghiệp có đủ năng lực cùng tham gia.

Chú thích ảnh
Lễ ký kết thành lập tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin vào sáng 24/11.

Liên minh hoạt động dưới bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) có vai trò chủ trì điều phối, định hướng các hoạt động chung của Liên minh.

Cũng theo Cục An toàn thông tin, sứ mệnh của Liên minh là thúc đẩy sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và phổ biến kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cho người dân khi tham gia sử dụng mạng. Từ đó, Liên minh giúp tạo dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, giảm thiểu sự cố mất an toàn thông tin và tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số.

Chia sẻ về việc gia nhập Liên minh, ông Nguyễn Vũ Anh, Tổng Giám đốc Cốc Cốc cho biết: “Vấn đề đảm bảo an toàn an ninh mạng cho người dùng hay xây dựng một Internet “xanh” luôn là nhiệm vụ hàng đầu được đơn vị xem trọng. Những sản phẩm và tính năng của nền tảngc vẫn luôn được phát triển theo hướng bảo vệ an toàn cho người dùng trên Internet. Điều này thể hiện rõ nhất thông qua bộ tính năng bảo mật.

Các thành viên Liên minh cam kết, cùng chung tiếng nói, tích cực và trách nhiệm đóng góp để chung tay tạo “khiên chắn” giúp người Việt lên mạng an toàn, ông Nguyễn Vũ Anh khẳng định.

Được biết, hoạt động chính của Liên minh được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dùng trên Internet và các nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ nêu rõ trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 về an toàn thông tin. Cụ thể, như phối hợp sản xuất và triển khai các nội dung tuyên truyền (tin bài, ảnh, video, clip tạo xu thế…) để đăng, phát trên các trang mạng xã hội, các kênh, nền tảng khác nhau và trên phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin cho người dân…

XM/Báo Tin tức
Doanh nhân, doanh nghiệp tham gia bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa
Doanh nhân, doanh nghiệp tham gia bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa

Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ Thuật Việt Nam tổ chức diễn đàn “Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN