Phát động chiến dịch truyền thông 'Cho con về nhà an toàn'

Sáng 9/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông quốc gia “Cho con về nhà an toàn”, nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng trước vấn đề an toàn đường bộ của trẻ em.

Lễ phát động có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan; bà Yoshimi Nishino, Quyền Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cùng đại diện Quốc hội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, một số bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội và hơn 1.500 học sinh, giáo viên.

Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết: Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em Việt Nam, sau tai nạn đuối nước. Tai nạn giao thông đường bộ cũng gây ra 50% số ca tử vong của thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 - 19 tuổi.

Cảnh sát giao thông thành phố Ninh Bình phát tờ rơi và tuyên truyền cho phụ huynh tại cổng trường tiểu học Đông Thành. Ảnh: Minh Đức

Trên thực tế, thương tích giao thông đường bộ ở trẻ có thể được phòng tránh thông qua việc nâng cao nhận thức và sự tuân thủ của cộng đồng đối với các quy tắc an toàn và luật giao thông đường bộ. Hiện nay, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ và giảm tốc độ khi đi vào những khu vực tập trung đông trẻ nhỏ như trường học, khu dân cư đã được khuyến cáo thực hiện. Bởi việc đội mũ bảo hiểm có thể giúp giảm 40% nguy cơ tử vong và 70% nguy cơ bị thương nặng; đồng thời, chỉ cần giảm 5% tốc độ trung bình có thể giảm tới 30% số vụ va chạm chết người.

Vì vậy, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách và cả cộng đồng để tăng cường nhận thức và chấp hành nghiêm túc các hành vi an toàn đường bộ cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ.

Chia sẻ về vấn đề an toàn giao thông đường bộ, bà Yoshimi Nishino, Quyền Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: Mỗi ngày trên thế giới có gần 2000 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ, trong số đó có 500 trẻ em. Cứ bốn phút có một trẻ tử vong trên đường. 50% các ca tử vong rơi vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người đi bộ, đi xe đạp và đi xe máy. Tại Việt Nam, theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2016, tai nạn giao thông đường bộ đã khiến gần 9000 người chết và hàng chục nghìn người bị thương.

Bà Yoshimi Nishino nhấn mạnh: Việt Nam đã nêu một tấm gương tuyệt vời trong việc chủ động triển khai các sáng kiến an toàn đường bộ toàn cầu, chẳng hạn như Tuần lễ an toàn giao thông của Liên hợp quốc và Tháng hành động vì an toàn đường bộ. Từ những cột mốc này, trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước đi cụ thể trong việc xây dựng hệ thống luật an toàn giao thông toàn diện, hiệu quả và nâng cao nhận thức cho người dân.


UNICEF kêu gọi người dân thực hiện nghiêm túc việc đội mũ bảo hiểm cho cả người lớn và trẻ em khi đi xe đạp hoặc trên xe máy; tất cả người điều khiển phương tiện giao thông giảm tốc độ khi đi trên đường, đặc biệt tại những khu vực tập trung đông trẻ em.

Nhân dịp này, đại diện các bộ, ngành, địa phương, nhà trường, phụ huynh và học sinh đã cùng ký cam kết thực hiện đội mũ bảo hiểm và giảm tốc độ vì sự an toàn của trẻ em.

Việt Hà (TTXVN)
Nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho trẻ em miền núi
Nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho trẻ em miền núi

Ngày 10/10, tại huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), Ban An toàn giao thông tỉnh Sơn La đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức “Ngày hội an toàn giao thông cho trẻ em”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN