Phân loại rác thải tại nguồn: Để chính sách phát huy hiệu quả

Theo khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) và thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Chỉ còn 1 tháng nữa, quy định này sẽ có hiệu lực nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm để triển khai hiệu quả trong thực tế.

Chú thích ảnh
Các thùng thu gom chất thải đã phân loại được dán nhãn rõ ràng để người dân dễ nhận biết. Ảnh minh họa: Xuân Dự/TTXVN

Chính sách tiếp tục được hoàn thiện

Số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, mỗi ngày cả nước thải ra khoảng 68.000 tấn rác thải, trong đó khu vực đô thị thải ra hơn 38.000 tấn. Tỷ lệ thu gom toàn quốc đạt trên 88%. Phần lớn rác thải được thu gom đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp với khoảng hơn 76%.

Nhận thấy rõ hiệu quả bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã dành 6 điều quy định rõ về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Các chuyên gia môi trường đánh giá, Luật đã có sự thay đổi căn bản và vượt bậc trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng chuyển từ tư duy nhà nước chi trả sang các chủ thể phát sinh tự chi trả. Luật đã thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng sẽ không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, việc xác định giá dịch vụ thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế xả rác ra môi trường, bảo đảm công bằng giữa các hộ dân, giảm bớt chi ngân sách.

Để hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là công tác thu gom, vận chuyển, xử lý sau khi phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; trong đó đã quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Ngày 12/8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ban hành Công văn số 5392/BTNMT-KSONMT ngày 12/8/2024 gửi đến các cơ quan, tổ chức bộ thông tin, tài liệu gồm: Bộ nhận diện chất thải rắn sinh hoạt phục vụ công tác phân loại; Phim hoạt hình hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt và phóng sự về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa phương để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, triển khai công tác truyền thông, phổ biến, tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tới từng hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng.

Lắng nghe, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ địa phương trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân cũng như đánh giá bước đầu việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương, trong tháng 8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo trao đổi về công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở cả 3 miền. Với sự tham gia của đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đây cũng là cơ hội để tìm kiếm những giải pháp cụ thể, sáng tạo và khả thi cho công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc.

Trong năm 2024, Bộ cũng tổ chức lấy kiến các sở ngành liên quan, các công ty môi trường đô thị, các công ty vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt… về Dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Thí điểm để nhân rộng

Theo đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, việc triển khai phân loại rác tại nguồn là vấn đề khó khăn, tại quốc gia phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng mất hàng chục năm để có thể thực hiện thành công trên cả nước. Phân loại rác tại nguồn thường được thí điểm ở quy mô nhỏ, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và triển khai ở quy mô toàn tỉnh hoặc thành phố. Hiện nay, có 2 mô hình phân loại là phân loại tại hộ gia đình, cá nhân và phân loại tại một địa điểm tập trung, thu gom chất thải hỗn hợp, sau đó đưa về trạm trung chuyển hoặc khu xử lý để phân loại và tiếp tục xử lý.

Trong rất nhiều hội nghị, hội thảo, các cuộc làm việc với các địa phương, đại diện lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã nhấn mạnh, theo luật phân loại rác tại nguồn là bắt buộc. Chậm nhất đến 31/12/2024 toàn bộ 63 tỉnh, thành phố phải thực hiện phân loại chất thải từ hộ gia đình và cá nhân. Tuy nhiên việc thực hiện phải theo lộ trình và kế hoạch phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý của từng địa phương.

Ở Hà Nội hiện có 23/579 xã, phường, thị trấn; 5 quận trong 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn. Đồng Nai tại 40 phường xã trên địa bàn 11 quận, huyện. Thành phố Hải Phòng, tỉnh Lào Cai triển khai tại 4 đơn vị tương đương cấp huyện. Các tỉnh Bình Định, Lâm Đồng, Bình Dương tại 2-3 thành phố, thị trấn. Tỉnh Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam tại một thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng đang thực hiện thí điểm.

Điều 75, 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Điều 73 và Phụ lục 2 Luật Giá năm 2023, giao UBND cấp tỉnh, ban hành 4 loại văn bản liên quan đến việc phân loại rác tại nguồn, bao gồm: Quyết định phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; Quy định hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; Định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về giá.

Đến nay đã có 46 địa phương ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt hoặc lồng ghép hoạt động này trong quy định quản lý chất thải rắn; còn 17 địa phương, trong đó có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trước đây đã có quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng chưa cập nhật nội dung, hướng dẫn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đại diện nhiều địa phương cho rằng khó khăn lớn nhất trong việc phân loại rác tại nguồn là cơ sở hạ tầng, từ thu gom, vận chuyển đến xử lý. Vướng mắc của nhiều địa phương trong quá trình thí điểm phân loại rác tại nguồn là thiếu phương tiện thu gom, vận chuyển riêng biệt từng loại rác, thiếu các điểm trung chuyển, tập kết rác. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội chia sẻ, tại 4 quận nội thành cũ của Hà Nội là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa dân số đông, lượng phương tiện lưu thông lớn, quy hoạch cho công tác thu gom, vận chuyển rác còn thiếu đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển rác của công ty.

Nhiều địa phương đề xuất cần có nguồn lực riêng cho việc thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, từ đó đầu tư đồng bộ các khâu từ phân loại, thu gom đến vận chuyển và xử lý. Bên cạnh đó, Thông tư quy trình kỹ thuật và Thông tư định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt là cơ sở cho các địa phương định giá tối đa áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; định giá cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hộ gia đình, cá nhân vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành khiến nhiều địa phương rất lúng túng khi triển khai.

Hoàng Vân (TTXVN)
Tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống rác thải nhựa
Tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống rác thải nhựa

Sáng 23/11, tại Trường Đại học Hồng Đức (thành phố Thanh Hóa), Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức khai mạc Triển lãm tranh, ảnh, tư liệu phòng, chống rác thải nhựa cho một tương lai xanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN