Nỗi lo trên những cây cầu dân sinh xuống cấp ở vùng rốn lũ

Nhiều cây cầu dân sinh bị mục nát, xuống cấp nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Chỉ cần một trận mưa lũ lớn, các cây cầu này có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Người dân vùng rốn lũ luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, lo âu.

Những cây cầu hết thời

Dầm cầu Trâm Lý và hệ thống lan can bị hư hỏng nặng. Ảnh: dantri.com.vn

Đây là ví von của người dân xã Hải Quy vẫn hay dùng để nói về cây cầu Trâm Lý bắc qua sông Nhùng, nối giữa hai xã Hải Quy và Hải Phú (huyện Hải Lăng).

Được xây dựng từ năm 1985, cầu Trâm Lý đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng đây là con đường huyết mạch liên huyện giúp 5.000 người dân và học sinh nơi đây đi lại.

Theo quan sát của phóng viên, dầm cầu bằng sắt đã rỉ sét đứt gãy hai đầu, thành cầu bị vỡ, gãy, nhiều nơi không còn thanh chắn, bề mặt cầu bị nứt rộng...

Mỗi lần có phương tiện qua lại là chiếc cầu “run lên bần bật”, đe dọa tính mạng của người đi trên cầu. Là tuyến giao thông liên huyện, số lượng các phương tiện qua lại cầu Trâm Lý rất đông. Lo lắng về độ an toàn của cây cầu, chính quyền địa phương đã treo biển cấm ô tô đi qua.

Bày tỏ nỗi lo lắng, ông Võ Triệu (77 tuổi), sống ở thôn Trâm Lý, xã Hải Quy cho biết: Ngày trước, vùng này không có cầu nên bà con góp tiền xây dựng.

Cầu sử dụng đã quá lâu, hiện tại phần dầm đã gãy, đứt. Phần bê tông do trước kia kinh phí ít nên chất lượng kết cấu mặt cầu kém, mỗi lần xe chạy qua sẽ gây rung lắc.

Vào mùa mưa lũ, hai đầu cầu bị ngập nước cao, ở giữa cầu không đi được. Bà con sống ở vùng này rất lo sợ có ngày cầu đổ sập, rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.

Cùng chung với nỗi lo ngại trên, ông Võ Mai Phụng (54 tuổi) ở cùng thôn cho biết: Mỗi lần đi qua chiếc cầu này, mọi người đều lo sợ vì cầu yếu, hư hỏng nhiều. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của bà con nơi đây là có cây cầu mới cho người dân qua lại…

Cũng thực trạng trên, cây cầu Xóm Sen bắc ngang qua sông Bến Đá phục vụ đi lại cho hàng trăm hộ dân ở thôn Mỵ Trường, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng ở trong tình trạng xuống cấp. Cầu có chiều dài hơn 30m, rộng 1,5m, được xây dựng vào năm 1977.

Chiếc cầu được người dân tự làm bằng cách đúc các tấm bê tông ghép lại bắc qua khúc sông rộng và sâu. Dầm cầu được làm thủ công bằng những cọc bê tông nhỏ. Đặc biệt, chiếc cầu không có thành nên dễ gây nguy hiểm cho học sinh và người dân qua lại nơi đây trong mùa mưa lũ.

Qua hơn 40 năm sử dụng, chiếc cầu này không được sửa chữa, nâng cấp nên hư hỏng nghiêm trọng. Chỉ cần một người đi xe máy qua cầu cũng khiến cầu rung lắc,  tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn trong mùa mưa bão.

Tìm giải pháp cho những cây cầu "chờ ngày sập"

Các đoạn bê tông bị đứt gãy, hư hỏng, gây nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: dantri.com.vn

Ông Trần Kim Cương, Phó Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết: Đối với cây cầu Xóm Sen, huyện đã gửi hồ sơ đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam và được chấp thuận xây dựng cầu mới.

Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được triển khai. Hiện địa bàn huyện Hải Lăng, số lượng cầu tạm bợ, không đảm bảo an toàn rất nhiều. Điều đó đã gây ách tắc, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Địa phương mong muốn các ban, ngành quan tâm, xem xét bố trí các nguồn vốn đầu tư để xây dựng mới các cây cầu tạm trên, phục vụ việc đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.


Hải Lăng là một huyện vùng trũng “rốn lũ” của tỉnh Quảng Trị. Theo báo cáo, trong tổng số 168 cây cầu dân sinh tại đây, có khoảng 50 cây cầu bị hư hại và xuống cấp nghiêm trọng cần được xây mới.

Một số cây cầu bị hỏng nặng như: cầu Câu Nhi nối giữa xã Hải Xuân và Hải Trường; cầu Phú Hưng( xã Hải Phú); cầu Quy Thiện (xã Hải Quy)…Những chiếc cầu này đều được xây dựng từ khá lâu nên đã hư hỏng nặng có thể sập lúc nào không biết, gây nguy hiểm cho người qua lại.

Vấn đề nâng cấp, tu sửa hoặc xây mới cầu dân sinh ở những vùng trũng là rất cấp thiết trong mùa mưa lũ. Có cầu vững chắc, an toàn, người dân yên tâm để phát triển kinh tế, học sinh đi học không bị sợ hãi. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có biện pháp nào, có chăng chỉ là do người dân chung tay tự sửa cầu một cách thủ công, mang tính tạm thời.

Người dân nơi đây vẫn luôn sống trong nỗi âu lo, thấp thỏm mỗi khi đi qua những cây cầu này. Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn tính mạng của người dân trong mùa mưa lũ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Nguyễn Giáp cho biết: Huyện đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên nhưng vấn đề này rất khó giải quyết, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn để sửa chữa, nâng cấp.

Trước mắt, để bảo đảm an toàn cho người dân, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, dân quân, công an cắm các biển báo, cảnh báo người dân không đi qua những vùng ngập lụt và nguy hiểm.

Biện pháp lâu dài, trên cơ sở xã hội hóa, huyện kêu gọi các doanh nghiệp, nhờ hỗ trợ từ cấp trên để từng bước xây dựng, nâng cấp các cây cầu gây ảnh hưởng lớn tới việc đi lại và đời sống của người dân.

Thanh Thủy (TTXVN)
Vượt suối bằng bè tự chế, người dân Mỏ Vàng mòn mỏi chờ một cây cầu
Vượt suối bằng bè tự chế, người dân Mỏ Vàng mòn mỏi chờ một cây cầu

Xã có tên là Mỏ Vàng nhưng lại là một trong những xã xa và thuộc diện nghèo nhất của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, hàng trăm hộ dân trong xã mỗi ngày vẫn phải vượt suối bằng những bè mảng tự chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN