Những “lá chắn” trong thời bình...

Hiếm có một Đại hội nào mà lại... nhiều nước mắt như Đại hội của những người từng một thời mặc áo lính của TTXVN: Đại hội Hội Cựu chiến binh TTXVN (diễn ra tháng 8/2012). Những con người “mình đồng da sắt”, một thời “trước quân thù chỉ biết tiến công”, giờ bỗng yếu mềm thật sự khi nhắc về những đồng đội đã hy sinh...

 

Quang cảnh Đại hội Hội Cựu chiến binh TTXVN nhiệm kỳ 2012 - 2017.

 

Cũng thật dễ hiểu những giọt nước mắt ấy. Những giọt nước mắt của những người ngồi bàn chủ tọa, những giọt nước mắt của chi hội trưởng các chi hội Cựu chiến binh (CCB) B1, B2, những giọt nước mắt của người con liệt sĩ Đào Đình Huệ cùng những giọt nước mắt của các cựu quân nhân của TTXVN. Bởi không ai có thể không xúc động khi nhắc về hơn 260 liệt sĩ của TTXVN đã hy sinh trên các chiến trường trong suốt 67 năm xây dựng và trưởng thành của TTXVN, có người đã được tìm thấy mộ, có người ngay cả dòng tên ghi trên bia cũng chưa có.


Một đơn vị báo chí mà “đi ba mất một”, chỉ có khoảng 700 con người thì có tới hơn 260 liệt sĩ đã hy sinh, từ người đầu tiên là liệt sĩ Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha thông tin phụ trách TTXVN (hy sinh năm 1947). Như lời của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh đã phát biểu trong một lần tới TTXVN dự lễ kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7: Chưa có một cơ quan báo chí nào có số lượng liệt sĩ lớn như thế. Sự hy sinh của các liệt sĩ TTXVN trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xứng đáng xây dựng một tượng đài biết ơn, tri ân - không chỉ bằng bia - mà còn là tượng đài trong lòng mỗi người, để cả xã hội biết đến...

 

Những giọt nước mắt đồng đội


Chi hội trưởng Chi hội CCB B1 Ngô Anh Văn không thể trình bày hết bản tham luận của mình trong đại hội. Và cũng không ai nỡ trách những nghẹn ngào của anh, mà nó chỉ khiến không gian lắng lại, hồi tưởng về những ngày lặn lội đi tìm hài cốt những liệt sĩ của TTXVN...


Cũng không còn nhiều những liệt sĩ của TTXVN chưa được tìm thấy mộ, nhưng dù chỉ là 1 liệt sĩ còn chưa “về nhà” thì cũng có nghĩa là sự canh cánh còn lại trong lòng mỗi người còn sống, đặc biệt là những CCB, những người thấu hiểu sự hi sinh, mất mát. Thế nên, đến tận hôm nay, một trong những chỉ đạo của Ban Lãnh đạo TTXVN vẫn là phải tìm bằng được hài cốt các liệt sĩ còn lại. Một trong những việc mà Ban Tổ chức cán bộ và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ của TTXVN được Ban Lãnh đạo cơ quan đã giao phó, vẫn là tổ chức những chuyến đi về các tỉnh, thành phố trong cả nước, để tìm mộ liệt sĩ. Cứ ở đâu có thông tin - dù có khi chỉ là những thông tin rất mơ hồ, là các anh chị lại lên đường, lại vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số, để tìm kiếm và hy vọng.


Nói như một thành viên trong Hội CCB TTXVN, còn một liệt sĩ chưa về nhà là anh em còn “đau đớn”. Phải đến khi nào tấm bia tưởng nhớ trên tầng cao nhất của nhà số 5 Lý Thường Kiệt của TTXVN trọn vẹn tên tuổi liệt sĩ của ngành, thì cái tâm của những người CCB mới yên ổn được (hiện tại mới chỉ có tên tuổi 236 liệt sĩ trên bia). “Chúng tôi đang dự kiến sẽ làm một cuốn danh bạ, trong đó ghi rõ tên tuổi các liệt sĩ còn chưa tìm thấy, để gửi về các hội CCB các địa phương, nhờ tìm thông tin giúp” - một đại diện Hội CCB TTXVN cho biết.

 

Vững vàng một bản lĩnh


Thành lập ngày 23/5/2007, và chỉ vừa kịp có... Đại hội lần thứ I của mình trong năm 2012 này, song những gì mà Hội CCB TXTVN làm được trong 5 năm qua thực sự là đáng được ghi nhận. Với con số 215 hội viên, đang sinh hoạt tại 11 chi hội trong cả nước, các hội viên Hội CCB TTXVN đã phát huy được vai trò “đầu tầu” của mình, xứng đáng là hình ảnh của anh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.


“Hơn 200 hội viên của Hội CCB TTXVN hiện công tác ở tất cả các đơn vị của TTXVN khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, 63 phân xã tỉnh, thành trong nước và 27 phân xã ngoài nước. Với một đội ngũ như vậy, có thể nói, không có hoạt động nào của TTXVN không có sự góp mặt của Hội CCB. Đặc biệt, các CCB luôn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, luôn trung thành với Đảng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng phụng sự Tổ quốc, luôn làm việc hết sức mình, không chỉ ở công tác chuyên môn, mà ngay trong các công tác như xây dựng lực lượng quân sự tại chỗ, dân quân tự vệ, phòng cháy chữa cháy, phòng chống lụt bão... lực lượng chủ chốt vẫn là các CCB”, đại diện Hội CCB TTXVN cho biết.


Và đây cũng chính là những đánh giá của Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi với Hội CCB TTXVN. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi, với thời gian hoạt động mới chỉ hơn 5 năm, nhưng Hội CCB TTXVN đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Trong đó nổi bật là Hội đã thường xuyên tổ chức học tập, giáo dục hội viên không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn kiên định với mục tiêu, con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.


Cũng không bất ngờ khi Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Trung tướng Trần Hanh đã đánh giá rất cao hoạt động của Hội CCB TTXVN: “Với bản lĩnh chính trị vững vàng của người chiến sĩ cầm bút, những nhà báo Cách mạng, trong bối cảnh thông tin đa dạng, đa chiều phức tạp như hiện nay, nhiều đồng chí hội viên đã thường xuyên nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, góp phần củng cố vững chắc trận địa chính trị tư tưởng của Đảng, không chỉ trong Hội CCB TTXVN mà còn đối với toàn Đảng, toàn dân”.


T.Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN