Về vấn đề này, báo Tin tức xin được trả lời như sau:
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh COVID-19; trong đó có 6 nhóm đối tượng sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt từ Chính phủ. Cụ thể:
- Người có công với cách mạng được hỗ trợ một lần trong 3 tháng với mức tiền 500.000 đồng.
- Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ một lần trong 3 tháng với số tiền 250.000 đồng.
- Lao động tự do, mất việc nhưng chưa được nhận trợ cấp thất nghiệp được trả hàng tháng, hỗ trợ trong 3 tháng với số tiền 1 triệu đồng.
- Hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 được trả hàng tháng, hỗ trợ trong 3 tháng với số tiền 1 triệu đồng.
- Lao động mất việc từ 14 ngày trở lên được trả hàng tháng, hỗ trợ 3 tháng với số tiền 1.800.000 đồng.
- Doanh nghiệp khó khăn tài chính được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động.
Tổng mức hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khoảng 62.000 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, gồm 22.000 - 23.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 13.000 - 14.000 tỷ từ ngân sách địa phương.
Ngoài ra, còn nguồn hỗ trợ gián tiếp qua việc cho phép doanh nghiệp phải giảm 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng.
Người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo tìm việc làm qua email, fax... mà không phải xin xác nhận UBND xã, phường.
Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Nhà nước cũng ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp giữa ngân sách trung ương và địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ này.
Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội được giao chủ trì, hướng dẫn các địa phương xác định đúng đối tượng, thực hiện chính sách này.