Nhạy cảm và trắc ẩn, điều làm nên những nữ nhà báo

Cuộc hội thảo “Nhà báo nữ với trách nhiệm xã hội”, do Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam và Chi hội nữ trí thức CLB Nhà báo nữ Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 10/6/2016, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925 – 21/6/2016, đã thành công hơn cả mong đợi của BTC và mang tới những giây phút thật khó quên cho những người tham dự.

Quang cảnh hội thảo.

Không hoành tráng, đồ sộ; rực rỡ hoa và lời chúc tụng; nhưng những giây phút bên nhau, cùng nhau và cùng chia sẻ đã khiến những người vốn chỉ quen viết về người khác; những người mẹ, người vợ, người con, người chị… vốn luôn đứng sau những trang viết của mình; có cơ hội nói về mình, về những gì mình làm được, những gì mình tâm niệm để giữ gìn đạo đức nghề báo, thực hiện trách nhiệm xã hội của một nhà báo- và nặng nề hơn chút nữa, của một nữ nhà báo.


Như Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc phát biểu tại hội thảo: Trong bối cảnh bùng nổ báo chí hiện nay, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay; làm báo càng khó khăn và vất vả gấp trăm lần; trọng trách, trách nhiệm xã hội của người làm báo cũng càng quan trọng gấp trăm lần; để giữ mình giữa ranh giới “không viết vì cái phong bì, nhưng cũng không vì cái phong bì mà không viết” cũng lại khó khăn vô cùng. Những khó khăn ấy, thì với nữ nhà báo càng nhân lên gấp bội. Vì vậy, với 40% số nhà báo nữ trong tổng số các Nhà báo hiện nay mà hội quản lý, đây là một lực lượng làm báo rất quan trọng, góp phần rất lớn vào việc định hướng xã hội, làm trong sạch xã hội, cũng như giữ gìn đạo đức nghề báo.

TS Phạm Mỵ, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nữ trí thức CLB Nhà báo nữ Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Phạm Mỵ, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nữ trí thức CLB Nhà báo nữ Việt Nam khẳng định: Vai trò của phụ nữ trong lịch sử báo chí Việt Nam xuất hiện từ rất sớm, với nữ tổng biên tập đầu tiên là bà Sương Nguyệt Ánh, con gái cụ Nguyễn Đình Chiểu, phụ trách tờ “Nữ giới chung” từ năm 1918. Các nhà báo nữ đã liên tục xuất hiện và đóng góp vai trò trong tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong chiến tranh, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, các nhà báo nữ không ngừng khẳng định mình là một phần quan trọng của nền báo chí cách mạng Việt Nam.


Tuy nhiên, bối cảnh báo chí Việt Nam những năm qua đang có biến đổi theo xu hướng hiện đại và hội nhập. Công nghệ mới ra đời thay đổi hoàn toàn phương thức tác nghiệp báo chí và khả năng tương tác với độc giả. Tốc độ phát triển kinh tế bùng nổ khiến cho đạo đức nhà báo bị đe dọa. Nghề báo đối mặt với những thách thức chưa từng có từ tài chính, liêm chính tới an toàn.


Phụ nữ Việt Nam, ngoài việc chia sẻ trách nhiệm xã hội cùng nửa còn lại, đã luôn mang những đặc tính rất riêng biệt và thiêng liêng trong tập quán văn hóa của dân tộc. Việc đối mặt với các thách thức mới của nghề báo, với phụ nữ vì thế cũng đặt ra những đòi hỏi riêng so với các nam nhà báo. Những tính chất mới của truyền thông thế kỷ 21, tiêu biểu như việc xâm phạm đời tư, có thể khiến nữ nhà báo chịu nhiều ảnh hưởng. (Ví dụ gần đây nhất, mà chúng ta thấy trên các phương tiện truyền thông, đại diện một công ty vận tải ở Huế đã mắng nhiếc một nữ phóng viên là đã xấu lại còn già mồm nên không thèm tiếp). Trước đó ít lâu, nhà báo Thu Trang báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, một cây bút điều tra xuất sắc và một người kiên trì làm thiện nguyện với tình cảm rất lớn dành cho các em nhỏ miền núi, cũng bị dọa “mua quan tài cho cả nhà”. Thực tế, các nhà báo nữ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc...

Hơn chục tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo, 100% là của các nhà báo nữ; đã giúp người tham dự có một cái nhìn đầy đủ về những khó khăn trong nghề của nữ nhà báo; những vượt lên để đóng góp cho cuộc sống, cho nghề nghiệp của họ; những “nhạy cảm” và “lòng trắc ẩn” , khiến những nhà báo nữ “đặc biệt” hơn rất nhiều khi làm nghề.


Tham luận “Nhà báo nữ và công tác thiện nguyện” của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, chia sẻ về những hành trình thiện nguyện của CLB Nhà báo nữ Việt Nam; những ngày nhiều nước mắt khi đến với những cựu nữ TNXP hội tháng 7/2015. Lần đó, đoàn đến với chùa Vạn Phúc Tự ở thôn Ngô Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa do Ni sư - thương binh Khiếu Thị Mừng - nữ TNXP đường 20 Quyết Thắng hơn 40 năm trước, pháp danh Thích Đàm Lệ, trụ trì. “Sau những niềm nở tay bắt mặt mừng đón Đoàn thiện nguyện là những giọt nước mắt, có lẽ vừa cảm động với tấm lòng của đồng đội, đồng bào vẫn không quên mình, còn vừa tủi phận mình, đơn côi gần nửa thế kỷ nương bóng Phật đài.Với tôi, hình ảnh vị sư già vịn gốc hoa ngâu ướt hơi mưa bên cổng tam quan chùa rêu mốc, thật không thể nào quên nổi. Bà sẽ chả bao giờ có được niềm hạnh phúc, cho dù là chỉ là niềm hạnh phúc của một nàng Chức Nữ mỗi mùa Ngâu khóc đợi Ngưu lang. Tôi thật tiếc mình không có khiếu làm thơ mà chỉ có thể ghép nổi được mấy dòng chữ đơn sơ:


Ni cô không phải nàng Chức Nữ

Mùa ngâu không đón đợi Ngưu Lang

Cớ sao hoa vàng tuôn đẫm lệ

Mỗi kỳ tháng Bẩy đón thu sang


Rời chùa với nỗi niềm trĩu nặng, đoàn chúng tôi qua thăm gia đình Cựu TNXP Nguyễn Thị Cúc. Một mái nhà thấp tối, hai mái đầu lưa thưa tóc bạc. Cô con gái mù ngót 70 tuổi chăm mẹ già ngoại tuổi 90 đang liệt giường liệt chiếu. Phút im lặng đến nghẹt thở. Mọi người kéo nhau ra sân lao xao, thì thầm. Vậy là chỉ trong 1 phút, không hơn, các thành viên trong đoàn đã người ít kẻ nhiều góp thêm hơn 3.000.000đ biếu hai mẹ con chị Cúc.Hôm đó, đoàn chúng tôi đã thăm hỏi và tặng quà cho 30 nữ TNXP có hoàn cảnh đơn côi khó khăn của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình mỗi suất quà có giá trị gần 2 triệu đồng. Trong đó có 1 triệu đồng tiền mặt; một thùng thực phẩm, quà bánh đường sữa, mắm muối. Cùng những món quà hết sức đặc biệt như chiếc màn tẩm thuốc chống muỗi, đôi áo sơ mi mới, với một đôi gối ấm mềm, hầu mong các chị, gọi đúng là các bà, các bác bớt được nỗi trằn trọc khuya đêm dài dặc. Một chiếc để kê đầu, một chiếc để ôm tay. Thêm một đôi nón lá làng Chuông hạng nhất. Chiếc nón lá non mảnh mai cho các bà các bác diện trong mỗi kỳ lễ hội, chiếc nón lá già vững chắc để hằng ngày các bà các bác ra ao vào vườn dầu dãi. Mỗi bà mỗi bác ra về, xe đạp chở đầy quà. Nào buộc, nào xách. Nào đeo. Nào đội. Nào mang. Và tươi tắn những nụ cười trên những gương mặt già nua, khắc khổ. Có thể nói là chưa có một đợt quà nào đặc biệt như thế đến với các nữ TNXP đơn côi ở địa phương này. Và tất cả các món quà có được đều là từ cuộc vận động trên mạng xã hội FB của Đoàn thiện nguyện CLB Nhà báo nữ VN nhân kỷ niệm ngày truyền thống TNXP 15/7/2015”.


Nữ nhà báo Phạm Thanh Hà chia sẻ về “Biên tập viên, bạn ở đâu”, nêu lên thực trạng đáng buồn của báo giới hiện nay và cũng là một cách nhìn khá giản dị nhưng rất trúng về trách nhiệm xã hội của nhà báo: “Bàn đến đạo đức nghề báo, chúng ta thường nghĩ đến những chuyện to tát, chẳng hạn phóng viên dọa nạt cơ sở, nhận tiền viết sai sự thật, liên kết bè phái để đánh ai đó...vv. Tuy nhiên, đạo đức hay sự thiếu vắng đạo đức của những người làm báo có thể bộc lộ ở những lĩnh vực khác, không cần phải có những hành độngtồi tệ như tôi vưà kể trên. Với tôi, đạo đức làm nghề nằm ngay ở khâu biên tập, và những người ngồi một chỗ tại tòa soạn, không đi đâu, không dọa nạt hay viết sai sự thật cũng có thể vi phạm đạo đức nghề báo, một cách đơn giản nhất nhưng không kém phần tai hại. Không phải bây giờ, người ta mới kêu than về câu chữ cẩu thả trên báo, đặc biệt trên các các báo điện tử và các trang mạng xã hội. Tiếng Việt được dùng một cách bừa bãi không thể tả nổi, tôi có thể lấy dẫn chứng ở bất cứ đâu, chắc chắn thế, những từ “ phát sốt”, “ đắng lòng”, vi diệu”, “ gây bão”, .đi kèm những cụm từ vô nghĩa, nhằm gây sốc câu like câu view bạn đọc. Tất nhiên, một cái titre phải hấp dẫn, nhưng từ hấp dẫn đến rẻ rúng câu chữ như chúng ta đang chứng kiến hiện nay là cả một khoảng cách. Bạn có thấy dễ chịu không khi đọc những hàng titre như: “Những "soái ca" trong lòng cư dân mạng trong ngày Hà Nội ngập !”(trang K14),“Bắt "soái ca" Tây Nguyên chém trọng thương công an”(báo Gi.T), thậm chí "Soái ca" tè bậy giữa phố bị phạt 200.000 đồng”(báo Gi.T). Thật là hết chỗ nói, “soái ca” vốn mang nghĩa tốt đẹp - “anh chàng phong độ, giàu có, hào hoa, si tình”, bị báo mạng “biến tướng” thành những tên lưu manh, vô văn hóa (“chém công an”, “tè bậy”) !


Hiện nay trên các trang báo điện tử xuất hiện ngày càng nhiều những tiêu đề “giật gân” câu khách. Cách dùng chữ cẩu thả, tùy tiện này có nguy cơ làm méo mó, mất đi vẻ trong sáng của tiếng Việt. Những dẫn chứng trong bài viết này đều trích từ những trang báo điện tử chính thống, chứ không phải từ những trang mạng xã hội như Twitter, Facebook, Google Plus hay những tờ báo “lá cải” bát nháo hỗn tạp, thượng vàng hạ cám”.


Tham dự hội thảo, có những nữ nhà báo đại diện cho những CLB Nhà báo nữ địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa. Họ đã mang tới hội thảo những cái nhìn rất thú vị và không kém phần đặc sắc về cuộc đời làm báo của những nữ nhà báo địa phương.


Tham dự hội thảo không chỉ với tư cách là 1 nữ nhà báo, mà còn là người được báo chí giúp đỡ rất nhiều trong hành trình thiện nguyện của mình, nữ nhà báo Trần Mai Anh khẳng định: “Chín năm trước, tôi bắt đầu một hành trình dài khi nhận nuôi bé Thiện Nhân. Trong suốt hành trình ấy, tôi chưa bao giờ đóng vai một người làm báo. Tôi chỉ là một bà mẹ yêu con, đau nỗi đau của con, và vì thế, thông cảm với những bậc cha mẹ có con bị khuyết tật cơ quan sinh dục. Quỹ Thiện Nhân và những người bạn chỉ được lập nên với tư cách ấy.Nhưng nếu không có báo chí, có những đồng nghiệp thân yêu, thì hành trình của tôi có lẽ đã dừng lại từ rất lâu.Rất nhiều tờ báo, rất nhiều nhà báo đã đến cạnh tôi trong những ngày tháng mẹ con tôi cùng tìm cách phẫu thuật cho hàng nghìn đứa trẻ đang bị khuyết tật cơ quan sinh dục trên khắp cả nước.


Tháng 12/2011, báo Tuổi Trẻ bắt đầu chạy một loạt phóng sự 10 kỳ về Quỹ Thiện Nhân và các bạn. Sau loạt phóng sựấy, rất nhiều bạn đọc biết đến chương trình, viết thư đến báo Tuổi Trẻ thăm hỏi. Sau đó, tờ báo vốn nổi tiếng vì những vấn đề chính trị xã hội gai góc, đã quyết định tổ chức một đêm nhạc cho Quỹ. Những ca sỹ nổi tiếng nhất khi đó đã góp mặt. Đêm nhạc quyên được 800 triệu đồng, và cho đến tận hôm nay chúng tôi vẫn nhận những đóng góp từ bạn đọc của báo Tuổi Trẻ.


Nói đến Tuổi Trẻ, người ta sẽ nghĩ đến ngay đến một tờ báo đấu tranh chống tiêu cực và phản biện xã hội hàng đầu. Nhưng tờbáo đã dành tới 10 kỳ để đăng tải câu chuyện về mẹ con tôi, về những đứa trẻ chịu thiệt thòi. Hơn thế nữa, còn tổ chức một sự kiện lớn để hỗ trợ quỹ. Nó cho chính tôi, một người làm báo, một cái nhìn khác về việc thể hiện trách nhiệm xã hội của báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng”.

Rất nhiều ý kiến và tham luận có giá trị được trình bày trong hội thảo.

Là doanh nghiệp duy nhất có tham luận tại hội thảo, bài tham luận của chị Trần Thư Kỳ, giám đốc phát triển dự án Tập đoàn Empire, khiến hội thảo rất quan tâm vì sự thẳng thắn và cách nhìn rất hiện đại trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí: “Trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam, doanh nghiệp cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. Một thống kê của Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam VCCI năm 2015 nói rằng 66% doanh nghiệp nước ta thừa nhận phải trả phí bôi trơn để hoạt động. Trong môi trường này, sự minh bạch đôi khi không có lợi cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Và khi đó, lựa chọn trả tiền cho phóng viên để không viết bài trở nên rất dễ dàng. Doanh nghiệp được yên thân làm ăn theo cách của mình. Còn phóng viên, thì không phải bẻ cong ngòi bút, mà chỉ đơn giản là không đăng tải những thông tin bất lợi mà mình đang có. Đổi lại, doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí, còn phóng viên đổi lấy một khoản thu nhập không thể có được nếu chỉ hành nghề đơn thuần.


Nhưng chúng ta đều biết rằng sự thiếu liêm chính trong kinh doanh có thể tạo ra lợi nhuận trước mắt cho nhiều doanh nghiệp, nhưng vô cùng nguy hại cho môi trường kinh doanh.


Là một doanh nghiệp tư nhân, bản thân chúng tôi cũng đối mặt với những thách thức lớn trong sự thiếu minh bạch trong môi trường đầu tư. Và chúng tôi hiểu rằng nếu mình khuyến khích những mô hình hợp tác bất minh như đang có, thì sẽ có hại về lâu dài.


Thay vào đó, tôi cho rằng doanh nghiệp nên nghĩ theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Doanh nghiệp có thể hỗ trợ báo chí, quyền lực thứ 4 của xã hội, để thúc đẩy họ phụng sự cho minh bạch. Và khi đó, tất cả sẽ cùng được lợi. Những người làm ăn chân chính sẽ không còn phải vẫy vùng trong một môi trường mà tất cả cùng phải lách luật, phải bôi trơn, ai không làm sẽ bị phân biệt đối xử. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi, một cái lợi lâu dài không dễ nhìn thấy nhưng chắc chắn tồn tại.


Nói một cách ngắn gọn, thay vì mua báo chí để tạo ra sự bất minh, thì doanh nghiệp có thể giúp báo chí làm tốt hơn sứ mệnh của mình”.


Diễn ra trong gần 3 tiếng, thời gian không ngắn nhưng cũng chưa đủ cho các ý kiến muốn phát biểu, chia sẻ tại hội thảo. Và như TS Phạm Mỵ khẳng định khi kết luận hội thảo, vấn đề trách nhiệm xã hội của nữ nhà báo sẽ còn được CLB Nhà báo nữ tiếp tục đề cập trong thời gian tới. Trước mắt là tiếp thu chỉ đạo của Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc, CLB Nhà báo nữ sẽ tích cực tham gia vào việc đóng góp xây dựng bộ quy tắc về đạo đức nghề báo của Hội Nhà báo Việt Nam. Và không chỉ thế, với mỗi nữ nhà báo, trong mỗi ngàym, mỗi giờ cầm bút, chắc chắn ý thức về trách nhiệm xã hội sẽ luôn đồng hành với họ.

PV
Nâng cao trách nhiệm xã hội của nhà báo nữ
Nâng cao trách nhiệm xã hội của nhà báo nữ

Ngày 10/6, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam phối hợp với Chi hội nữ trí thức Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam tổ chức hội thảo "Nhà báo nữ với trách nhiệm xã hội", nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN