Số doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến hết quý IV/2022 là 456 doanh nghiệp. Trong đó, có 15 doanh nghiệp Nhà nước, còn lại là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2022 đã dần phục hồi, tập trung chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động theo thỏa thuận đã ký với các nước tiếp nhận lao động; các biện pháp ổn định và phát triển thị trường truyền thống. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ, Bộ ký Bản Ghi nhớ lần thứ 3 về hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia; Bản Ghi nhớ giữa Việt Nam và Ausralia về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia; Trao đổi, đàm phán Thỏa thuận hợp tác lao động giữa Việt Nam và Ixrael; Thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan; Thỏa thuận về hợp tác đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hungary; Bản Ghi nhớ về Chương trình EPS với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc; Thỏa thuận về hợp tác lao động với Ả rập xê út; Bản Ghi nhớ mới về hợp tác lao động với Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Dự kiến, năm 2023, Việt Nam đưa khoảng 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài.