Theo ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội, phiên giao dịch việc làm (GDVL) chuyên đề việc làm bán thời gian do Sở LĐTBXH Hà Nội và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội phối hợp tổ chức sẽ diễn ra ngày 4/1 đồng bộ với 14 sàn GDVL vệ tinh. Đồng thời, Sở tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc bán thời gian dịp cuối năm và đầu năm mới".
Phiên GDVL chuyên đề dự kiến có 35 đơn vị tham gia tuyển dụng thuộc mọi thành phần kinh tế, đa dạng các ngành nghề trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Dự kiến, có hơn 1.000 vị trí việc làm bán thời gian dành người lao động, đặc biệt là học sinh, sinh viên đang học tập và sinh sống trên địa bàn Hà Nội trong dịp trước và sau tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Các vị trí tuyển dụng của doanh nghiệp dịp cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tập trung vào các ngành nghề chính như: Thương mại - dịch vụ; dịch vụ khách sạn - nhà hàng; sản xuất, bán lẻ… Các vị trí tuyển dụng nhiều nhất là nhân viên gói giỏ quà tết; nhân viên giao hàng; nhân viên thời vụ bán hàng tết; nhân viên chạy bàn, phục vụ bàn; nhân viên thu ngân; nhân viên bếp; tạp vụ - vệ sinh; lao động thời vụ sản xuất bánh kẹo…”.
Mức lương trung bình của lao động thời vụ năm nay tăng từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng so với năm ngoái. Cụ thể, mức lương trung bình với công việc giao hàng là 11,5 triệu đồng/tháng, bảo vệ là 8,4 triệu đồng/tháng, nhân viên phục vụ nhà hàng - khách sạn là 7,8 triệu đồng/tháng, nhân viên bán hàng - chăm sóc khách hàng là 10 triệu đồng/tháng. Lương lao động thời vụ dịp tết từ 200.000 - 500.000 đồng/ngày.
Phiên GDVL chuyên đề việc làm bán thời gian cũng sẽ tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được trải nghiệm các hoạt động thực tế, được thực hành các kỹ năng tìm kiếm việc làm, tiếp cận, tìm hiểu thị trường lao động có cơ hội tìm việc làm thêm, việc làm bán thời gian để có thể lựa chọn được công việc phù hợp.
Bên cạnh hoạt động của sàn GDVL trung tâm, nâng cao hiệu quả tỷ lệ kết nối cung - cầu lao động, năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức tốt các hoạt động tại các sàn GDVL làm vệ tinh và thường xuyên tổ chức các phiên lưu động tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố, tạo nên nét riêng biệt so với các địa phương trong cả nước.
Nếu như trước đây chỉ có một vài quận, huyện như: Gia Lâm, Sóc Sơn, Long Biên, Nam Từ Liêm và Mê Linh… tham gia, thì năm 2022, sàn GDVL đã lan tỏa, tổ chức kết nối và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại 15 quận, huyện.
Ông Vũ Quang Thành đánh giá: “Mô hình sàn GDVL vệ tinh đã giải quyết tối đa các nhu cầu về việc làm tại địa phương với đa dạng các đối tượng: Sinh viên tốt nghiệp đại học, lao động thất nghiệp, lao động có tuổi tìm việc làm thêm... Trong bối cảnh cuối năm, người lao động tìm kiếm việc làm khó khăn, các sàn GDVL vệ tinh giúp người lao động dễ đến với doanh nghiệp tuyển dụng và giảm được chi phí cũng như thời gian đi lại".
Đặc biệt, các sàn GDVL vệ tinh tổ chức ở các quận, huyện có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất tạo thuận lợi cho lao động tại địa bàn, không phải đi lại xa, kết nối việc làm tại chỗ. Bên cạnh đó, các sàn vệ tinh còn là nơi thuận lợi cho công tác thu thập số liệu cho việc phân tích, dự báo thị trường lao động Hà Nội.
Dự báo của Sở LĐTBXH, một số ngành nghề như dệt may, điện tử, chế biến gỗ… tại Hà Nội vẫn thiếu đơn hàng trong đầu năm 2023. Do đó, từ nay đến tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tăng cường kết nối phiên GDVL để tăng cơ hội tìm việc cho người lao động. Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang tăng cường khảo sát, nắm bắt thông tin thị trường, tăng cường kết nối cung cầu trên thị trường lao động để có tư vấn kịp thời cho người lao động khi đến tìm hiểu thông tin tại sàn GDVL và điểm sàn vệ tinh, góp phần thúc đẩy giải quyết việc làm cho người lao động.
“Chúng tôi tiếp tục tổ chức các phiên GDVL định kỳ từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, đồng bộ trên 15 sàn giao dịch, kết hợp cả phương thức trực tiếp và trực tuyến. Việc tổ chức các phiên GDVL với tần suất tương đối dày đặc dịp này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động và hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm vào dịp cuối năm. Qua đó, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đem lại thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho người lao động”, ông Vũ Quang Thành nhấn mạnh.
Năm 2022, Hà Nội đã tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 64.800 người với kinh phí hỗ trợ là 1.700 tỉ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 65.500 người; hỗ trợ học nghề cho 1.500 người, với số tiền 6,6 tỉ đồng.