Người dân phía Tây Nam Thủ đô lo lắng về lịch tạm ngừng cấp nước sạch sông Đà để sửa đường ống. Ảnh: TTXVN |
Thời gian tạm ngừng cung cấp được xác định từ chiều ngày 17 đến ngày 18/8, để sữa chữa đường ống.
Tuy vậy, trong ngày 18/8, đại diện Công ty cổ phần Viwaco lại cho biết, thông báo tạm ngừng cung cấp nước sạch kể trên không thực hiện mà hoãn lại tuần sau. Thời gian cụ thể là khi nào, vị đại diện công ty cổ phần Viwaco không tiết lộ.
Về việc vì sao lại tạm dừng cung cấp nước sạch để sửa chữa trong mùa nắng nóng, đại diện công ty cổ phần Viwaco cho biết, đơn vị chỉ là nhà cung cấp, căn cứ và phụ thuộc vào Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Wiwasupco) - đơn vị đang vận hành nhà máy nước sạch sông Đà.
Để đối phó với việc có thể thiếu nước diện rộng có thể xảy ra khi hai đơn vị trên tạm dừng cung cấp nước sạch để sửa chữa đường ống, đại diện phòng Hạ tầng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong thời gian này, các nhà máy nước trên địa bàn đều hoạt động hết công suất, do vậy việc lấy nước từ nhà máy này để hỗ trợ nhà máy kia là phương án khó có thể thực hiện.
Vì vậy, để đảm bảo người dân không bị thiếu nước sinh hoạt, Sở Xây dựng khuyến cáo người dân nên sử dụng tiết kiệm nước, có kế hoạch tích trữ nước hợp lý để đảm bảo phục vụ sinh hoạt.
Mặt khác, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch ở các quận phía Tây Nam Hà Nội, trong quá trình sửa chữa phải thông báo sớm, rút ngắn thời gian sửa chữa, hạn chế kéo dài thời gian mất nước, thiếu nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Theo phân bổ của thành phố Hà Nội, một số quận như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai được cấp nước từ nguồn nước sông Đà, do Công ty cổ phần Viwaco và một số đơn vị khác cung cấp.
Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống ở các quận kể trên, họ thường xuyên chịu cảnh thiếu nước ở những thời điểm nắng nóng hoặc có nước nhưng áp lực nước yếu, khiến cho việc bơm hút để sử dụng khó khăn.
Tuyến đường ống nước sông Đà 1 đã từng xảy ra 21 lần sự cố vỡ đường ống. Trong khi đó, tuyến đường ống này chiếm khoảng 23,4% tổng sản lượng cấp cho Hà Nội. Mỗi lần vỡ đường ống nước sông Đà 1 có hàng nghìn hộ dân ở các quận trên bị ảnh hưởng, trong khi đó tuyến đường ống sông Đà số 2 chưa thể đi vào hoạt động dù đã được khởi công từ năm 2015.