Trong số những người chưa tin tưởng vào chế độ BHYT, có hơn 23% sợ bị phân biệt khi khám BHYT với chất lượng khám chữa bệnh kém, hơn 24% cho rằng thuốc BHYT chữa không khỏi; gần 50% cho rằng họ chưa tham gia BHYT vì khi có thẻ vào viện vẫn mất nhiều tiền, vẫn phải sử dụng dịch vụ ngoài bảo hiểm khiến gánh nặng tài chính không giảm.
Hiện nay M.net có sự tham gia của hơn 100 tổ chức xã hội với mong muốn đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHYT, BHXH tới người lao động di cư. Độ tuổi di cư có xu hướng trẻ hóa; trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp; Thu nhập từ công việc thấp và không ổn định (trung bình chỉ đạt 2,2 – 2,5 triệu/tháng, thời gian làm việc bình quân 47,3 giờ/tuần. Đa số làm các công việc lao động đơn giản trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không tham gia BHYT, BHXHTN…“Bên cạnh đa dạng hình thức tuyên truyền thì chất lượng khám chữa bệnh với BHYT phải được cải thiện, thái độ của nhân viên y tế. Nhà nước cần xây dựng lộ trình tăng chi trả khi khám vượt tuyến và ngoại trú cho lao động di cư”, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Light cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, những năm qua, trợ giúp xã hội không ngừng được mở rộng về đối tượng, diện bao phủ. Từ đó từng bước nâng mức trợ giúp xã hội cho người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế giúp họ có thể tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, nước sạch, thông tin… Đây là vấn đề cơ bản của an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước đang hướng tới. Những đề xuất, kiến nghị về chính sách đối với an sinh xã hội với nhóm lao động di cư sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ LĐTBXH và các Bộ, ngành hữu quan thiết kế chương trình, chính sách phù hợp.
XC