Đó là thông tin được chia sẻ tại buổi hội thảo “An sinh xã hội với lao động di cư khu vực vực phi chính thức” do Viện Light tổ chức vào ngày 29/6.
Theo thống kê, lao động di cư chiếm 7,7% dân số Việt Nam. Theo đó cứ 3 hộ gia đình khu vực nông thôn thì có 2 người đi di cư, số tiền họ gửi về chiếm 20% tổng thu nhập gia đình. Tuy làm việc trong khu vực gặp nhiều rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy hại, nhưng đa số người di cư tự do hiện nay khó tiếp cận với các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nguyên nhân do thu nhập thấp, không ổn định. Thậm chí khi được các tổ chức xã hội tuyên truyền vận động, nhưng nhiều người lao động di cư không biết tiếp cận với BHYT, BHXH ở đâu, ai là đơn vị cấp dịch vụ này và được hưởng gì khi mua BHYT, BHXH.
“Nhóm đối tượng lao động di cư đóng góp lớn cho sự phát triển các đô thị. Tuy nhiên việc tuyên truyền, vận động tới nhóm đối tượng này vẫn chưa sát và phù hợp. Bên cạnh hình thức truyền thống, việc tuyên truyền có thể thông qua tin nhắn điện thoại di động; đồng thời hình thức thanh toán BHYT, BHXH tự nguyện cần nghiên cứu đơn giản, có thể thông qua hình thức chuyển khoản điện tử. Để làm được điều này BHXH cần phải đối mới cách thức hoạt động như hiện nay, trong đó sớm ứng dụng công nghệ thông tin để thuận tiện trong giao dịch và minh bạch thông tin”, bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lao đông Xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết.
XC