Ngày 31/3: Số ca mắc COVID-19 lên tới 207, Thủ tướng ra Chỉ thị cách ly toàn xã hội

Ngày 31/3, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 207 người. Cũng trong ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

"Cách ly", không phải "phong tỏa"

Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.Theo Chỉ thị này, nước ta thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Chú thích ảnh
 Đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM vắng bóng người và phương tiện giao thông. Ảnh: TTXVN

Chỉ thị nêu rõ: Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và nhấn mạnh các giải pháp về cách ly xã hội không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước, Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình.

Trao đổi với phóng viên TTXVN về ý nghĩa của việc “cách ly toàn xã hội” theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, giải thích đơn giản :”Hiện tại, chỗ thì dùng cách ly xã hội, chỗ dùng ngăn cách xã hội, chỗ dùng giãn khoảng cách địa lý... theo tôi, chẳng qua là làm sao hạn chế một cách tối đa việc người bị bệnh tiếp xúc với những người lành hoặc là hạn chế tối đa những người lành tiếp xúc với người bệnh để không lây nhiễm sang nhau, bởi vì virus lây theo tiếp xúc gần, khi chạm vào dụng cụ, bề mặt có virus của người bệnh thải ra bám vào”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, việc tiếp xúc xã hội càng hạn chế được bao nhiêu thì càng phòng bệnh tốt bấy nhiều. Vậy thì, chúng ta cần hạn chế bằng cách không đi lại nữa, không tiếp xúc với nhau nữa và không tập trung đông người nữa

“Nói tóm lại, các biện pháp mà Chính phủ đưa ra chính là để hạn chế đến mức tối đa người bị bệnh không tiếp xúc với người lành, hạn chế tối đa việc người lành tiếp xúc người bệnh để dịch không lây từ người này sang người khác, không lây từ vùng này sang vùng khác. Vì vậy, mỗi người dân cần có ý thức chấp hành nghiêm bởi vì việc chấp hành rất quan trọng trong giai đoạn chống dịch hiện nay. Nhà nước dù có xử phạt cũng không làm sao kiểm tra hết được, chỉ mỗi người dân phải có ý thức mới hạn chế được dịch bệnh lây lan”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Đảm bảo an sinh khi cách ly xã hội

Trong chiều 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về các phương án, kịch bản và khả năng ứng cứu đối với trường hợp khẩn cấp về dịch bệnh COVID-19 trong cả nước, cũng như các chính sách bảo đảm an sinh xã hội đối với những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Công nhân sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Cổ phần may Tiên Hưng (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN

Tại cuộc họp, Thủ tướng đã khẳng định, với các giải pháp mới nhất, cả nước hiện ở tình trạng tiền khẩn cấp, nên việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn.

Đề cập đến các kịch bản ứng phó dịch, Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng các phương án để tránh bị động; công tác ứng phó quyết liệt hơn với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Về vấn đề an sinh xã hội, Thủ tướng nêu rõ, đây là nội dung có tính cấp thiết cao, nhất là đối với người dân nghèo, người thất nghiệp, nếu không chủ động giải quyết vấn đề này thì khó khăn cho đất nước. Vấn đề này cũng sẽ được Chính phủ thảo luận tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 1/4.

Chiều 31/3, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp quán triệt Chỉ thị 16 của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, các cơ quan hành chính, doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh vẫn làm việc bình thường, nhưng sẽ giảm số lượng người có mặt trực tiếp chỉ còn 1/3 so với trước đây, đồng thời chuyển đổi phương thức làm việc sang trực tuyến để bảo đảm an toàn trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Cũng trong ngày 31/3, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội họp bàn về các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó dịch COVID-19. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Chính phủ sẽ bàn vấn đề an sinh xã hội vào ngày 1/4, trước hết là đối với người thu nhập quá thấp, trên tinh thần ngân sách Trung ương và địa phương cố gắng hỗ trợ. Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng phương án hỗ trợ, cách thức triển khai. Mức hỗ trợ và đối tượng được hỗ trợ sẽ được thảo luận tại phiên họp Chính phủ.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến đời sống của một bộ phận người dân khó khăn hơn. Có những người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, có người bị ảnh hưởng gián tiếp và có những người bị ảnh hưởng "kép". Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ ban hành phương án hỗ trợ để người dân sớm ổn định cuộc sống. 

Sau cuộc họp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, Bộ đề xuất hỗ trợ cho những người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng, các đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng và không hưởng lương. Đồng thời, tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất hỗ trợ người ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên bởi những người lao động phi chính thức, buôn bán nhỏ cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19 cần được hỗ trợ. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 270 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/người/tháng.

Một tin ấm lòng: Nhằm giúp những người bán vé số dạo vơi bớt khó khăn trong thời điểm ngưng phát hành vé số từ ngày 1 - 15/4 để phòng, chống dịch COVID-19, hàng ngàn phần quà từ các nhà hảo tâm trong tỉnh Bình Dương đã trao tặng cho những người bán vé số, mỗi phần gồm 500.000 đồng và 1 thùng mì gói. Tổng giá trị các phần quà trên hơn 150 triệu đồng, do chị Đoàn Thùy Dương, chủ đại lý vé số Thùy Dương ở thành phố Thủ Dầu Một vận động bạn bè, người thân cùng ủng hộ. Ngoài ra, còn có một số người có tấm lòng từ thiện khác ở Thủ Dầu Một tặng 600 phần quà gồm lương thực, thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay cho người bán vé số dạo.

Chú thích ảnh
Người bán vé số dạo ở Bình Dương vui mừng nhận quà hỗ trợ.

Không lo thiếu hàng hóa

Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc, một số người dân đã đến các siêu thị mua đồ tích trữ. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở tất cả các địa phương.

Theo Bộ Công Thương, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp phân phối lớn thực hiện báo cáo tình hình cung cầu, hệ thống phân phối, phương án tích trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang....

Bộ Công Thương khẳng định, theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Chú thích ảnh
Các siêu thị vẫn hoạt động bình thường nhằm đáp ứng nhu yếu phẩm của người dân trong thời gian cách ly toàn xã hội. Ảnh: Mạnh Linh

Bộ Công Thương cũng khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước luôn đáp ứng đủ để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các Sở Công Thương, các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối xăng dầu trên phạm vi cả nước có các phương án cần thiết để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Chiều 31/3, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đang thực hiện theo phương án số 3 về nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm theo các cấp độ của Trung ương và thành phố nhằm ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn. Trong đó, chủ động điều phối các phường, xã đảm bảo đủ lượng hàng hóa “4 tại chỗ” phục vụ nhân dân theo các cấp độ giả định.

Theo Sở Công thương Hà Nội, lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong 1 tháng là tương đương 21.500 tỷ đồng nhưng lượng hàng hóa trong tháng dịch (tăng gấp 3 lần so với 1 tháng) là 64.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa trong 3 tháng có dịch là 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) là 21.500 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Người dân đến mua hàng hóa tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hiền Anh.

Căn cứ lượng hàng hóa trên, các doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa theo bảng phân bổ của Sở Công Thương, khuyến khích các doanh nghiệp dữ trữ số lượng hàng nhiều hơn phương án đã đưa ra.
Sở Công Thương đã cử cán bộ phối hợp chặt chẽ với đầu mối tại các quận, huyện, thị xã và các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nắm bắt về tình hình hàng hóa, giá cả để kịp thời chỉ đạo các đơn vị bổ sung ngay hàng hóa tại các điểm bán thiếu hàng trong hệ thống hoặc chỉ đạo các doanh nghiệp khác tổ chức bán hàng lưu động để kịp thời cung cấp đủ hàng hóa phục vụ nhân dân.

Các quận, huyện, thị xã đảm bảo đủ lượng hàng hóa “4 tại chỗ” trên địa bàn, chủ động điều phối các phường, xã thuộc địa bàn; trong trường hợp thiếu hàng chủ động phối hợp với Sở Công Thương để điều tiết, cung ứng kịp thời.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp phải điều tiết hàng hóa mạnh, nhiều lần/ngày trong các hệ thống phân phối trong Thành phố, chỉ đạo doanh nghiệp phải tăng thêm nhiều kho dữ trữ hàng hóa tại các quận huyện và điều tiết từ kho hàng của các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, các doanh nghiệp tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện giao hàng tại nhà.

Đề cập về một số thông tin cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ bị tạm ngừng giao dịch theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Nhà nước Trần Văn Dũng cho hay: Cơ quan quản lý chưa có ý tưởng, cũng như chưa chỉ đạo nào về việc tạm dừng giao dịch thị trường chứng khoán.

“Thị trường vẫn hoạt động giao dịch bình thường và các đơn vị liên quan đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều ngày qua”, ông Trần Văn Dũng nói.

Sau khi giá xăng dầu giảm sâu, ở một số nơi xuất hiện tình trạng nhiều người dân đổ xô đi mua xăng tích trữ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao và ảnh hưởng an ninh trật tự.

Chú thích ảnh
Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Ảnh: TTXVN.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, tại một số địa phương, có hiện tượng người dân tập trung mua xăng dầu tích trữ do giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước giảm mạnh theo diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khó lường tại nước ta và trên thế giới.

Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước luôn đáp ứng đủ để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các Sở Công Thương, các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối xăng dầu trên phạm vi cả nước có các phương án cần thiết để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

 

PV/Báo Tin tức
Thư ngỏ của Phó chủ tịch Gruppo San Donato Italia trước sự hoành hành của đại dịch COVID-19
Thư ngỏ của Phó chủ tịch Gruppo San Donato Italia trước sự hoành hành của đại dịch COVID-19

MILAN, ITALia – Media OutReach – Ngày 31 tháng 3 năm 2020 – Đại dịch do virus Corona chủng mới (COVID-19) đang bùng phát trên toàn thế giới, gây ra sự lây lan trong cộng đồng theo cấp số nhân và số người chết đang tăng nhanh lên từng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN