Video Bức xúc xe tải, xe buýt "vô tư" xả khói đen ra môi trường:
Không khó để bắt gặp hình ảnh các loại xe tải chở vật liệu xây dựng, phế thải, xe buýt khối lượng lớn cũ nát, sắp hết niên hạn sử dụng... tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội hiện nay xả khói đen như quạt chả, khiến người tham gia giao thông ngán ngẩm tránh xa.
Trong bối cảnh ùn tắc giao thông diễn ra ngày phức tạp, hạ tầng phát triển không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện, hàng trăm nghìn ô tô, xe máy cũ nát hết niên hạn sử dụng vẫn cố tình tham gia giao thông... khiến chất lượng không khí ở Hà Nội ngày càng suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân, cũng như khiến các cơ quan quản lý Nhà nước "đau đầu" giải quyết các bài toán về giao thông và đối mặt với các hệ lụy do môi trường gây ra cho nền kinh tế, trong đó, tình trạng ô nhiễm khói bụi là nguyên nhân hàng đầu hiện nay.
Qua tìm hiểu, không khí tại Hà Nội bị ô nhiễm đang kéo giảm chất lượng cuộc sống, làm gia tăng nhiều loại bệnh tật. Khói bụi từ hoạt động giao thông của các phương tiện cơ giới trên đường đã được các nhà chuyên môn xác định là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chất lượng không khí giảm sút, nhưng hoạt động kiểm định khí thải lại đang "bỏ ngỏ". Không kiểm soát được lượng khí thải độc hại phát tán ra môi trường, đồng nghĩa với việc không khống chế được các thành phần gây hiệu ứng nhà kính, góp phần đẩy nhanh những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ở các nước phát triển, những loại xe xả khói đen không được phép tham gia giao thông...
Chưa hết, trong khí thải phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng dầu có nhiều loại chất cực độc, có thể gây ung thư hoặc gây kích thích như: Benzen, acid H2S, CO, cacbon... khi ngấm vào máu có thể gây ảnh hưởng đến toàn cơ thể. Người già, trẻ em đang mắc các bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh hen suyễn... khi hít phải nhiều khí thải độc hại từ phương tiện dễ có nguy cơ làm bệnh bùng phát, thậm chí tử vong do chít hẹp đường thở nếu không có thuốc cắt cơn hoặc đi cấp cứu kịp thời...
Để kiểm soát khí thải xe cơ giới từ gốc, từ năm 2020 đến nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì tổ chức kiểm tra khí thải xe ô tô còn hạn đăng kiểm, trước mắt tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; đồng thời, phối hợp với Thanh tra Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lập kế hoạch, tổ chức các đợt kiểm tra khí thải lưu động với xe ô tô còn hạn đăng kiểm để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc bảo dưỡng, sửa chữa và duy trì mức phát thải giữa hai kỳ kiểm định.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các doanh nghiệp vận tải tăng cường công tác quản lý kỹ thuật phương tiện, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong suốt quá trình khai thác, sử dụng phương tiện; khuyến khích các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đầu tư, chuyển đổi sang sử dụng phương tiện ít phát thải; ứng dụng công nghệ, thiết bị xử lý khí thải trên xe buýt để giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường...
Tuy nhiên, thực tế các loại xe nói trên vẫn hàng ngày xả khói đen trực tiếp ra môi trường, không được xử lý nghiêm, nhờn luật... đòi hỏi các cơ quan chức năng, lực lượng liên quan phải tăng cường siết chặt quản lý, xử lý vi phạm khí thải xe cơ giới từ gốc, ngay khâu kiểm định, đăng kiểm và tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm ngay khi phát hiện trên các tuyến đường giao thông.
Để giảm thiểu tình trạng xe tải, xe buýt nhả khói đen trên đường phố, gây bức xúc cho người dân, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp vận tải, trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan, lực lượng chức năng, cũng cần ý thức, trách nhiệm tự giác bảo trì, bảo dưỡng xe của các chủ phương tiện, để chung tay bảo vệ, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm khói bụi đô thị ngay từ bây giờ.
Từ ngày 1/1/2021, các loại xe ô tô sản xuất trong giai đoạn từ năm 1999 - 2008 sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 2 (Theo TCVN 6438:2018, mức 2 được quy định rõ giới hạn lớn nhất cho phép đối với xe ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức là 3,5% (thể tích) chất CO, 800 HC (ppm thể tích); giới hạn lớn nhất đối với xe lắp động cơ do cháy nén là 60% HSU giới hạn độ khói). Hiện tại, tất cả các trung tâm đăng kiểm đã cập nhật phần mềm chương trình kiểm định khí thải mức 2 đối với xe ô tô sản xuất từ năm 1999-2008. Khi đăng kiểm viên nhập dữ liệu biển số xe, số đăng kiểm vào chương trình, phần mềm sẽ tự động đối chiếu chỉ số thực tế phát thải và tiêu chuẩn để đánh giá kết quả đạt hay không đạt tiêu chuẩn. Để thực hiện việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới, ngoài công tác chuẩn bị, các trung tâm đăng kiểm có nhiệm vụ thông báo tới chủ phương tiện, lái xe biết và thực hiện. Ngoài ra, khi phối hợp kiểm tra lưu động xe ô tô còn thời hạn đăng kiểm, nếu phát hiện khí thải xe có thành phần ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép, lực lượng Thanh tra Sở GTVT sẽ lập biên bản, yêu cầu chủ xe khắc phục. Sau đó, phương tiện phải đến trung tâm đăng kiểm để kiểm tra lại khí thải, nếu đạt tiêu chuẩn khí thải được cấp lại tem, giấy chứng nhận kiểm định để tiếp tục tham gia giao thông.