Chất lượng kỹ năng lao động giúp tăng tỷ lệ lao động có việc làm, tăng chất lượng việc làm bền vững, giảm thất nghiệp, giảm tệ nạn xã hội, tăng an sinh xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc nâng cao chất lượng kỹ năng nghề được coi là vấn đề trọng tâm.
Mất cân bằng thị trường lao động
Từ năm 2021 đến nay, toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Báo cáo "Xúc tác giáo dục 4.0 năm 2022" và Báo cáo "Nguy cơ toàn cầu năm 2022" của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã đưa ra một số đánh giá sau về tác động của đại dịch đối với giáo dục, phát triển kỹ năng và tạo việc làm. Đó là gần 1,6 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học trong hai năm qua và ít được tiếp cận với các biện pháp khắc phục như học từ xa. Hậu quả kinh tế do đại dịch COVID-19 đang song hành cùng sự mất cân bằng thị trường lao động, chủ nghĩa bảo hộ và sự gia tăng khoảng cách về kỹ thuật số, giáo dục, kỹ năng, điều đó dẫn đến nguy cơ chia rẽ thế giới theo các quỹ đạo khác nhau. Thanh niên, phụ nữ và lao động có kỹ năng nghề thấp đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch COVID-19. Ít nhất đến năm 2023, nền kinh tế toàn cầu mới có thể tạo ra số lượng công việc mất do dịch bệnh nhưng nhiều công việc trong số này dự kiến sẽ có năng suất thấp và chất lượng kém.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến quý I/2022, cả nước có khoảng 52 triệu người tham gia lực lượng lao động, trong đó lao động là thanh niên (tuổi từ 16 - 30) khoảng 24 triệu người, chiếm 46%. Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt. Điều này cho thấy, lực lượng lao động là thanh niên có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề hiện chỉ chiếm 19% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế.
Nhiều ý kiến cho rằng thanh niên Việt Nam đang thiếu hụt về kỹ năng nghề rất nhiều, vì vậy cần có sự đổi mới tư duy, không phải vào đại học là con đường duy nhất. Đại sứ nghề Hoàng Đức Long, Trưởng bộ môn Điện tử Công nghiệp, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (một trong 8 Đại sứ nghề năm 2022) nhận định: Kỹ năng nghề là rất quan trọng, liên quan đến giá trị lao động của bản thân mỗi người trong công việc. Kỹ năng quan trọng hơn lý thuyết rất nhiều, vì vậy các bạn trẻ hiện nay cần thay đổi tư duy tiến bộ hơn, không chỉ có con đường vào đại học, mà có thể thông qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp lập nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang rất cần lao động chất lượng cao, lao động có trình độ kỹ năng tốt.
Cũng theo Đại sứ nghề Hoàng Đức Long, sau hai năm, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến cơ cấu lao động cũng như mức thu nhập của người lao động. Vì vậy, các bạn trẻ hiện nay cần được đào tạo các kỹ năng nghề, tạo cơ hội để có thể thay đổi được nghề nghiệp cũng như mức thu nhập trong bối cảnh dịch bệnh.
Để bắt kịp và chủ động với xu thế việc làm và kỹ năng lao động
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hơp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp về phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên Việt Nam. Công tác giáo dục nghề nghiệp luôn hướng tới việc đào tạo kỹ năng cho người học, coi đây là một trong những nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện kỹ năng, Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng, tham gia các kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới, Kỹ năng nghề ASEAN và tổ chức các kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia. Thông qua các kỳ thi này, các thí sinh, các nhà quản lý của các quốc gia học hỏi, giao lưu về kỹ thuật, công nghệ mới, về kỹ năng trong lao động, sản xuất. Không chỉ có vậy, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực tổ chức các hội thi về kỹ năng nghề để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp cho học sinh, sinh viên tiếp cận với lao động, sản xuất thực tế trong các doanh nghiệp, tự tin với bản thân để bước vào thị trường lao động.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, để Việt Nam có thể bắt kịp, chủ động với xu hướng thế giới về việc làm và kỹ năng cho lực lượng lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải chú trọng, nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm, nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề chịu tác động của cách mạng công nghệ lần thứ tư; đẩy mạnh thu hút và tập trung nguồn lực để thúc đẩy đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là các chính sách đối với doanh nghiệp để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia...
Trong đào tạo nhân lực cần nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thể hiện từ khâu đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá. Các chương trình giảng dạy mới sẽ bao gồm các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai - cả kỹ năng kỹ thuật số cũng như kỹ năng "con người" mà máy móc công nghệ không thể thay thế như giao tiếp, giải quyết vấn đề, sáng tạo, cộng tác và tư duy phản biện.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, trong đó có ưu tiên đến nâng tầm kỹ năng nghề cho lực lượng lao động trẻ của nước ta.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho rằng: Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng, hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Phát triển kỹ năng lao động là quá trình được hình thành trong học tập, lao động và cuộc sống. Do vậy, thay vì tư duy đào tạo một lần để làm việc suốt đời, cần thay đổi chuyển từ đào tạo một lần sang học tập thường xuyên, học tập suốt đời để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Đào tạo, đào tạo lại để thích ứng với thế giới việc làm đang đổi thay là hết sức quan trọng. Mọi người lao động phải không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, liên tục sáng tạo để cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả lao động trong công việc.
Bên cạnh đó, một vấn đề hết sức quan trọng, đó là nâng tầm kỹ năng lao động, không phải là nhiệm vụ riêng của một ai, mà là của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nêu rõ.