Đào tạo lại, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động

Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2022, nhưng số người tham gia đào tạo lại chưa nhiều như kỳ vọng.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp du lịch đang có nhu cầu lớn về đào tạo lại nghề cho lực lượng lao động sau khi du lịch mở cửa trở lại từ 15/3 và đang đề nghị gia hạn chính sách đào tạo lại nghề theo Nghị quyết 68.

Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, việc ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội, không chỉ trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn có ý nghĩa, tác động lâu dài. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) việc tham gia thực hiện chính sách cũng là cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác với đơn vị sử dụng lao động trong việc phối hợp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động và nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên của nhà trường.

Tính đến hết tháng 3/2022, theo báo cáo của các địa phương, có gần 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100.000 người lao động trong cả nước, kinh phí dự kiến gần 500 tỷ đồng, trong đó 48 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 10.000 lao động với tổng số kinh phí dự kiến là gần 70 tỷ đồng. Vùng Đông Nam bộ có số lượng người lao động được đề xuất hỗ trợ nhiều nhất (trên 5.000 lao động được người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ, 2 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ để nộp đề nghị hỗ trợ với tổng số lao động gần 50.000 người (công ty CP Pousung Việt Nam, công ty Co Teawang vina)); vùng có kết quả thấp nhất là Tây Nguyên hiện chưa có người sử dụng lao động nào nộp hồ sơ.

Trong quá trình theo dõi, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể, thời điểm triển khai khi Nghị quyết 68, Quyết định 23 được duyệt trong cuối Quý III và Quý IV năm 2021, thời điểm các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Nhiều địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, nên các hoạt động triển khai đào tạo không thực hiện được.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI chưa thực sự quan tâm đến việc nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, hoặc ngại làm thủ tục, phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm. Một số nơi việc xác nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn khó khăn do cách hiểu khác nhau về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, việc triển khai các nhóm chính sách theo Nghị quyết 68y góp phần rất quan trọng vào sớm khôi phục và ổn định thị trường lao động, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh và an toàn xã hội.

Nhận định về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, Bộ trưởng chia sẻ: "Với phương châm là tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng thảo luận nhiều lần, Hội đồng quốc gia về quản lý Quỹ bảo hiểm cũng đã trao đổi rất nhiều để quyết định giành một khoản ngân sách nhất định từ kết dư quỹ BHTN để cho đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giữ chân người lao động, đổi mới công nghệ."

Tuy nhiên, quá trình triển khai về chính sách đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ giải ngân rất thấp, sự vào cuộc chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao.

Một trong những nguyên nhân chưa triển tốt do chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước. Một phần vì còn tồn tại tâm lý e ngại, sợ thanh tra, kiểm tra của chính các doanh nghiệp, người sử dụng lao động.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, trước mắt cần tập trung, làm thật tốt, phê duyệt tất cả các hồ sơ từ nay cho đến 30/6. “Nơi nào đã nhận hồ sơ rồi, đề nghị rà soát lại hồ sơ, phê duyệt hồ sơ ngay để cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động triển khai ngay.”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo.

Đối với những tỉnh chưa triển khai, cần xác định đây là một trong những công việc quan trọng trong hai tháng tới. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu đích thân người đứng đầu Sở LĐTBXH các tỉnh trực tiếp chỉ đạo công việc này. Giám đốc Sở LĐTBXH cần có trách nhiệm, nếu cần thiết có thể thành lập một nhóm, tổ để đôn đốc công việc này.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, nhất là hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp cần coi đây là một cơ hội để đào tạo bồi dưỡng cán bộ. “Các trường nghề chủ động phối hợp với doanh nghiệp, chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp, cùng với doanh nghiệp lập hồ sơ, phối hợp đào tạo bồi dưỡng, phối hợp thanh quyết toán.”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu.

XM/Báo Tin tức
Đảm bảo an toàn lao động ra sao khi nới trần làm thêm giờ?
Đảm bảo an toàn lao động ra sao khi nới trần làm thêm giờ?

Nới trần giờ làm thêm được xác định là giải pháp ngắn hạn giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đi kèm với đó, các doanh nghiệp phải có giải pháp đảm bảo chế độ, quyền lợi và sức khoẻ người lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN