Gần 600 nghìn học sinh THCS toàn quốc tham gia cuộc thi học sinh với an toàn thông tin 2022

Gần 600 nghìn học sinh từ 5783 trường Trung học cơ sở (THCS) trên toàn quốc đã tham dự trực tuyến "Cuộc thi học sinh với an toàn thông tin (ATTT) 2022".

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT và bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) trao giải Nhất cho 3 học sinh.

Ngày 8/4, tại Hà Nôi, lễ tổng kết và trao giải cuộc thi học sinh với an toàn thông tin (ATTT) 2022 đã được Hiệp Hội ATTT Việt Nam chủ trì tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cuộc thi do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hiệp hội ATTT Việt Nam tổ chức với mục tiêu trang bị các kiến thức, kỹ năng về ATTT cho các em để phòng tránh các nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết: "Trong thế giới số ngày nay, chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ trên không gian mạng chính là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội. Thời gian qua, dưới tác động dịch bệnh COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội khiến hàng triệu trẻ em không được tới trường học trực tiếp mà phải học tập trực tuyến. Đại dịch đem đến cho chúng ta nhiều nguy cơ, nhưng đồng thời cũng là cơ hội vàng để thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, CĐS trong ngành giáo dục".

“CĐS hỗ trợ đổi mới GD&ĐT theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Đây là một phần quan trọng của xã hội số trong tương lai. Việc tiếp xúc, học tập, giải trí trực tuyến sẽ góp phần quan trọng hình thành nên những công dân số. Tuy nhiên, việc gắn chặt với máy tính, điện thoại và Internet, hạn chế việc tham gia vui chơi ở ngoài đồng thời cũng khiến cho trẻ em có nhiều nguy cơ mất ATTT”, ông Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Theo thống kê trong thời gian dịch bệnh lên đỉnh điểm, tỉ lệ các cuộc tấn công mạng vào lĩnh vực giáo dục tăng cao nhất, chiếm khoảng 61% số cuộc tấn công mạng. Số vụ tấn công mạng vào các tài nguyên giáo dục với mục đích không cho người dùng truy cập được tăng ít nhất 350% so với trước đó. Hiện tượng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng trở thành vấn đề đáng báo động.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định: "Cuộc thi đã trang bị cho các em học sinh kỹ năng, kiến thức để bảo vệ mình trên môi trường mạng, góp phần giải quyết một trong những vấn đề cấp bách và cần thiết của xã hội trong thời kỳ CĐS. Thực hiện được mục tiêu và yêu cầu đề ra là tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho các học sinh, phụ huynh trên cả nước. Qua đó tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng".

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội ATTT, trong 3 tuần tổ chức thi chính thức (từ ngày 3/3 - 24/3/2022), cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của gần 600.000 học sinh từ 5783 trường THCS trên toàn quốc. Bên cạnh đó, là sự quan tâm, động viên, hướng dẫn đồng hành của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, học sinh từ các thành phố lớn đến các bản làng vùng sâu, vùng xa.

Với sự tham gia tích cực của các trường, các em học sinh toàn quốc đối với cuộc thi cho thấy sự quan tâm hết sức sâu sắc của toàn xã hội, của mọi gia đình cũng như nhận thức của toàn xã hội, của bản thân các em học sinh THCS đối với một vấn đề làm thế nào để trẻ em có thể tương tác lành mạnh và sáng tạo trên môi trường Internet, nhiều kiến thức bổ ích nhưng cũng đầy thách thức, cạm bẫy, nguy hiểm.

"Sự thành công của cuộc thi cũng góp phần thể hiện chủ trương của Nhà nước về tăng cường bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đang từng bước đi vào cuộc sống", ông Nguyễn Thành Hưng cho biết.

Em Phạm Lê Minh Đức, học sinh đạt giải Nhất của cuộc thi cho biết: “Thời gian qua, do phải học trực tuyến nên em tiếp xúc với không gian mạng nhiều hơn. Bên cạnh mặt tích cực cũng có những mặt tiêu cực. Tham gia cuộc thi an toàn thông tin, em hiểu hơn về cách sử dụng mạng internet, hiểu hơn về những giá trị cuộc sống. Cuộc thi mang lại nhiều kiến thức, trang bị cho học sinh đề phòng những tác hại xấu từ không gian mạng”.

Kết quả của cuộc thi, Ban Tổ chức trao 3 giải Nhất cho các em: Phạm Thị Thanh Bình, lớp 8E, Trường THCS Minh Thành, Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; em Phạm Lê Minh Đức, lớp 7A1, Trường THCS Xanh Tuệ Đức, TP Hà Nội; em Nguyễn Thị Ngọc Diệp, lớp 6A3, Trường THCS Nguyễn Đăng Đạo, TP Bắc Ninh.

Ban Tổ chức cũng trao 8 giải Nhì, 15 giải Ba và 50 giải Khuyến khích cho các em học sinh. Ban Tổ chức cũng trao 8 giải tập thể tập trung vào các trường tại Hà Nội (4 trường) và TP Hồ Chí Minh (4 trường). Trong đó, trường có số học sinh tham dự nhiều nhất là 2691/2921 học sinh dự thi, chiếm 92% số học sinh của trường.

XM/Báo Tin tức
Doanh nghiệp ‘liệu cơm gắp mắm’ để chuyển đổi số
Doanh nghiệp ‘liệu cơm gắp mắm’ để chuyển đổi số

Doanh nghiệp được xác định là hạt nhân trong thúc đẩy kinh tế số, một hợp phần quan trọng chuyển đổi số. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu về nguồn lực nên việc triển khai trên thực tế đang theo từng giai đoạn hoặc từng phần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN