Đó là thông tin được ông Hoàng Quốc Lâm, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đưa ra tại hội thảo “Tình hình thiên tai khí tượng thủy văn năm 2016 – Khả năng cảnh báo sớm và độ tin cậy dự báo” vào chiều 13/1.
Dự báo năm 2017 sẽ đón nhận mùa đông ấm. Ảnh: TTXVN. |
Mùa đông ít rét
Hiện nay, ENSO - tên viết tắt để chỉ sự xuất hiện đồng thời của hai hiện tượng El Niño, La Nina và dao động Nam (Southern Osillation - SO); đang ở pha trung tính (nghiêng về pha lạnh) nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu của một kỳ La Nina. Dự báo chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển sẽ tiếp tục có xu hướng ấm dần và hiện tượng ENSO sẽ ở trạng thái trung tính trong năm 2017, khả năng xuất hiện La Nina thấp dần.
Nhiều khả năng những tháng đầu năm 2017 nền nhiệt độ (đặc biệt ở khu vực miền Bắc) có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), rét đậm-rét hại không kéo dài; mùa mưa bão 2016 ở khu vực phía nam sẽ kết thúc muộn, kéo dài sang các tháng đầu năm 2017.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, liệu tương lai miền Bắc có mất đi mùa đông? Ông Lâm cho biết, mùa đông năm 2016 không lạnh do không khí lạnh (KKL) đầu mùa tăng cường xuống sâu nên rét về đêm, ban ngày nắng nên khó cảm nhận được không khí lạnh rõ rệt. Còn rét đậm mới xuất hiện cách đây vài ngày là do có mưa, có KKL, nhiệt độ ban ngày ban đêm thấp.
“Năm 2016 có thời tiết dị thường về mưa, băng, tuyết...tất cả cái đó nằm trong giao đổi khí hậu, có năm ấm, có năm lạnh hơn một chút. Với vị trí địa lý như hiện tại của nước ta thì thời tiết thay đổi tùy yếu tố gió mùa đông bắc mạnh hay yếu, mỗi năm mỗi mùa mỗi khác. Mùa đông năm tới khả năng vẫn lạnh bình thường”, ông Lâm cho biết.
Mưa lũ kéo dài nhưng khô hạn, thiếu nước
Về mùa bão 2017, sẽ đến sớm hơn TBNN và ảnh hưởng tới Việt Nam tương đương như năm 2016, mùa mưa cũng sẽ đến sớm trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên các đợt mưa lớn và tổng lượng mưa sẽ ít hơn năm 2016.
Hiện tượng mưa trái mùa có khả năng xuất hiện trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong những tháng đầu năm 2017.
Dòng chảy trong mùa khô năm 2016/2017 ở hầu hết các sông trên toàn quốc có khả năng nhỏ hơn mức TBNN, nhiều khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trên các sông ở Bắc Bộ, Trung Bộ.
Tình trạng khô hạn và thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Nam Bộ, khô hạn cục bộ ở Bắc Bộ và Tây Nguyên nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015/2016.
Lũ ở khu vực Bắc Bộ trong năm 2017 có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2016 và đỉnh lũ sẽ tương đương đỉnh lũ năm 2016.
Đỉnh lũ trên các sông Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến tương đương TBNN và thấp hơn năm 2016.
Trong năm 2017, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm tại Nam Bộ. Đỉnh lũ tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10/2017 và ở mức BĐ2 (cao hơn năm 2016, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN).
Tóm lại, diễn biến thời tiết, thủy văn trong năm 2017 trên phạm vi cả nước vẫn có xu hướng thiếu hụt mưa và dòng chảy, xuất hiện khô hạn và thiếu nước; nền nhiệt độ tăng cao vào mùa khô nhưng không khắc nghiệt như năm 2016. Tuy nhiên, bão, mưa, lũ đến sớm và kéo dài trong cả năm 2017.
“Công tác dự báo KTTV trong năm 2017 sẽ được chú trọng vào cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ trái mùa vào nửa đầu năm 2017 và dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, lũ vào cả năm 2017, đặc biệt là ở khu vực Trung Bộ”, ông Lâm nhấn mạnh.